Thiếu tá Phạm Hồng Quân – Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mua bán người (Đội 12), Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn của tội phạm mua bán người rất tinh vi và xảo quyệt. Chúng tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật và lừa gạt bị hại.
Đặc biệt, hiện nay khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, việc sử dụng internet rất phổ biến trong giới trẻ. Trong khi đó, nhiều cô gái mới lớn lại có lối sống buông thả, nghiện game, thích các trò chơi ảo hoặc ham mê chát trên internet một cách thái quá.
Các cô gái này có thể ngồi ngày đêm tại một quán internet nào đó và thường không đủ tiền để trả cho việc sử dụng dịch vụ. Khi đó, các cô phải nhờ người khác đem tiền đến trả thay cho nghĩa vụ của mình mới có thể được phép rời khỏi quán.
Cảnh sát hình sự khuyên các cô gái cần cảnh giác trong các mối quan hệ, đặc biệt là qua mạng internet. Ảnh minh họa |
Lợi dụng tâm lý này, bọn tội phạm mua bán người thường tạo một tài khoản ảo trên mạng với tên và địa chỉ không đúng. Chúng lân la làm quen với những cô gái xa lạ trên mạng. Nếu gặp ai đó có nhu cầu “cứu net”, chúng sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất nhỏ để trở thành “người hùng” của nạn nhân.
Nhưng sau khi “cứu net”, các đối tượng phạm tội sẽ dụ dỗ, lỗi kéo các cô gái đến làm việc tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc gội đầu, các dịch vụ thư giãn, giải trí có liên quan đến tình dục.
Chúng còn có thể đưa nạn nhân qua biên giới rồi bán cho các đối tượng bên kia biên giới để ép bán dâm hoặc đưa vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh để bóc lột sức lao động. Tại các cơ sở này, nạn nhân bị ép làm việc khổ sai, bị đánh đập, không được trả lương hoặc trả lương rất thấp, thậm chí còn bị lạm dụng tình dục, không được quay về Việt Nam.
Đối với trường hợp tội phạm sử dụng chiêu “cứu net” thì có khi chúng chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng là có thể lừa gạt được các cô gái trẻ. Năm 2011, Đội 12 cũng đã từng triệt phá một vụ án có tình tiết như vậy.
Theo đó, tháng 6/2011, một số tờ báo có đăng tải thông tin về việc cháu Nguyễn T.N., sinh năm 1995, trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị 2 đối tượng nữ tên là Tâm và Nhung “cứu net” rồi ép đưa đến một quán karaoke ở Hưng Yên để làm gái mại dâm.
Ngay lập tức, Đội 12 đã vào cuộc xác minh. Từ đó, 1 đường dây buôn bán người dần dần lộ rõ. Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 2/7/2013, Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng về hành vi mua bán người.
Các đối tượng gồm Lê Thị Thanh Tâm (sinh năm 1987, trú ngỏ Phạm Hồng Thái, Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội); Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1989, trú ở Thanh Trù, Vĩnh Yên, VĨnh Phúc); Hoàng Quốc Hưng (sinh năm 1978, trú tại thị trấn Bần, Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên) và Vũ Mạnh Linh, sinh năm 1987, trú ở tổ 44, khu 12, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh.
Theo cơ quan điều tra, Hoàng Quốc Hưng là chủ quán karaoke Kim Thảo ở thị trấn Bần, Yên Nhân, Hưng Yên. Tâm tới làm nhân viên của quán này từ tháng 8/2010. Tới khi Tâm nghỉ việc thì Hoàng Quốc Hưng có thỏa thuận nếu tìm được nhân viên nữ về làm việc cho Hưng thì Hưng sẽ trả cho Tâm 2 triệu đồng một người. Tháng 6/2011, Tâm làm quen với Nguyễn Thị Hồng Nhung và cả 2 đã thực hiện nhiều “phi vụ” lừa bán phụ nữ để lấy tiền ăn tiêu chung.
Trước hết, đó là vụ lừa cháu Nguyễn T.N. nói trên. Các đối tượng khai nhận, vào ngày 19/6/2011, Tâm bỏ ra 43.000đ để “cứu net” cho N. tại một hàng internet ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Sau đó, Tâm và Nhung đưa N. sang bán cho Hưng với số tiền đã thỏa thuận từ trước là 2 triệu đồng. Tại quán karaoke Kim Thảo, cháu N. đã bị ép buộc bán dâm. Tới ngày 26/6/2011 thì N. trốn thoát khỏi “động quỷ” này.
Sau khi bán N., tới ngày 25/6/2011, Tâm lại lân la lên Vĩnh Phúc để tìm “con mồi”. Tại một quán internet ở thị trấn Vĩnh Yên, Tâm đã bỏ ra 33.000đ để “cứu net” cho Mai T.H. Sau đó Tâm cùng Nhung đưa H. về bán cho Hưng với số tiền 2,3 triệu đồng.
Từ lời khai của Tâm và Nhung, cơ quan công an còn làm rõ, khoảng ngày 13/6/2011, Vũ Mạnh Linh “cứu net” cho Trần T.L. tại một quán game ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó, Linh giao L. cho Tâm và Nhung để 2 đối tượng này đem bán cho Hưng với số tiền 2 triệu đồng. Linh được chia 750.000đ, số còn lại Tâm và Nhung sử dụng để ăn tiêu chung.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần, cùng với thủ đoạn “cứu net” nhóm đối tượng nói trên đã thực hiện trót lọt 3 vụ mua bán người. Rất may, đường dây buôn bán người này đã được Công an TP Hà Nội triệt phá kịp thời.
Thiếu tá Phạm Hồng Quân cho biết, không chỉ có chiêu trò “cứu net”, tội phạm mua bán người còn tận dụng sự bùng nổ của internet, thiết bị điện tử đặc biệt là điện thoại thông minh như hiện nay để tiếp cận làm quen, giả vờ yêu đương các cô gái trẻ. Sau đó, chúng rủ nạn nhân lên các tỉnh biên giới chơi, mua sắm đồ, rồi lừa bán ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc.
Để tránh “sập bẫy” của tội phạm mua bán người, Thiếu tá Phạm Hồng Quân khuyên các bậc phụ huynh cần phải có biện phạm giúp con cái sử dụng điện thoại, máy tính một cách hợp lý. Các phụ huynh cần quan tâm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của con em mình.
“Đối với các cô gái cần cảnh giác trong các mối quan hệ của mình, đặc biệt là trong chuyện tình cảm nam nữ. Nếu chỉ nói chuyện qua internet, hoặc mới gặp mặt một hai lần thì không nên đi xa với người đó. Không được để tình trạng ‘bạn trên mạng rủ đi đâu cũng đi’. Bởi qua mạng thì không thể biết ai thật, ai giả và họ là con người như thế nào. Nếu để các đối tượng phạm tội lừa đi xa nhà thì các cô gái rất dễ bị chúng ép đưa ra nước ngoài bán,” Thiếu tá Quân nói.
Theo VTCnews