Vụ sập công trình trung tâm hội nghị: Nhiều người kêu cứu trong đống đổ nát!

Thứ ba, 06/10/2015, 13:25
“Chúng tôi vừa vào làm việc ca chiều thì bất ngờ khối bê tông sập xuống, xô đổ cả hệ thống giàn giáo. Tôi chạy không kịp nên bị các thanh sắt đè nát chân, nhiều người khác kêu cứu trong đống đổ nát”, ông Út bàng hoàng kể lại.

Ngày 6/10, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một nạn nhân vụ sập giàn giáo công trình xây dựng nhà hàng tiệc cưới tại Cần Thơ. Nạn nhân là ông Phan Văn Út (48 tuổi) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương.

Như thông tin đã đưa, chiều 3/10, tại công trình xây dựng trung tâm hội nghị, tiệc cưới Hoàng Tử (thuộc Khu du lịch Biển Cần Thơ, cồn Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) đã xảy ra vụ sập giàn giáo công trình xây dựng làm 1 người chết tại chỗ và 4 người bị thương nặng.

Ông Út đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Ngoài 3 người đang được điều trị tại bệnh viện Quân Y 121 - Cần Thơ, nạn nhân bị thương nặng nhất là ông Phan Văn Út sau khi được cấp cứu đã phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông tin từ TS.BS Lâm Việt Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho hay: “Bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ khung xương chậu, chân phải bị dập nát không thể điều trị bảo tồn nên khoa Chấn thương Chỉnh hình đã buộc phải cắt 1/3 cẳng chân”.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục bị đau, chướng vùng bụng nên được chuyển đến khoa Ngoại Tiêu hóa. Kết quả CT-Scan, siêu âm ghi nhận bệnh nhân có khối máu đông lớn ở vùng chậu. Hiện bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng đồng thời được theo dõi nguy cơ các sang chấn tiềm ẩn như dập ruột, tổn thương nội tạng.

May mắn thoát khỏi cơn nguy kịch nhưng ông Út đã vĩnh viễn mất đi cẳng chân phải. Nằm trên giường bệnh, ông nhớ lại giây phút kinh hoàng: “Trước khi tai nạn xảy ra, chúng tôi vừa bước vào ca làm buổi chiều, anh em tập trung tháo dỡ giàn giáo. Vừa gỡ được một phần khung sắt thì bất ngờ một khối bê tông sập xuống xô đổ giàn giáo. Tôi chạy không kịp nên bị sắt thép đè lên người. Cố gắng gượng dậy, tôi thấy chân mình tê cứng, dập nát. Trong khói bụi mù mịt, nhiều tiếng kêu cứu vọng ra từ đống đổ nát”.

May mắn thoát chết nhưng nạn nhân đã bị mất 1 chân

Thông tin từ người nhà nạn nhân cho biết, sau tai nạn, chủ công trình, chủ thầu xây dựng đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc và hứa sẽ chi trả viện phí trong quá trình điều trị cho ông Út.

Được biết, ông Út đã làm việc tại công trình xây dựng nêu trên nhiều tháng qua. Tuy nhiên, giữa ông Út và chủ thầu xây dựng không có hợp đồng lao động nên không được nhà thầu cấp bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.

TS.BS Lâm Việt Trung cho hay, tai nạn lao động đang trở thành hiểm họa với công nhân, khoa Ngoại tiêu hóa nói riêng và các khoa khác tại bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận nạn nhân từ các vụ té giàn giáo, sập giàn giáo, đổ tường khi đang xây dựng hoặc dỡ bỏ nhà cửa… Người bị nạn thường gặp phải thương tích rất nặng, nếu qua được nguy kịch thì cũng mắc phải các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Để tránh tai nạn, giảm thiểu thương tật, đơn vị quản lý, sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho công nhân, mặt khác người lao động phải có ý thức tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động để tự bảo vệ bản thân mình.

Theo DânTrí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích