Theo đó, khoản 2 Điều 1 của nghị quyết này quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình với những người phạm tội mà Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình; không áp dụng tử hình với người từ 75 tuổi trở lên.
Các tội đã bỏ hình phạt tử hình gồm: Cướp tài sản; Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Chiếm đoạt chất ma túy; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch.
Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những bị cáo này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Như vậy phạm nhân Hồ Duy Trúc không phải thi hành án tử hình về tội Cướp tài sản theo Điều 133 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) mà sẽ được chuyển hình phạt xuống chung thân.
Luật sư Lê Vi, người bào chữa cho Trúc từ những ngày đầu chia sẻ: Thời điểm xảy ra vụ việc, hành vi của Trúc bị dư luận cả nước lên án. Bản thân luật sư cũng không đồng tình với tội ác mà Trúc đã gây ra. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về gia đình Trúc, luật sư Lê Vi quyết định nhận lời bào chữa miễn phí.
Trúc sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), anh ta là con trai duy nhất trong gia đình có 12 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một người thân của Trúc bị lừa sang Trung Quốc bán nội tạng. Cha mẹ Trúc nay đã già yếu phải nuôi cùng lúc mười mấy đứa cháu nhỏ, miếng ăn không đủ no. Bản thân anh ta có một đứa con nhỏ, sinh ít tháng.
"Cha mẹ Trúc đã quá khổ rồi, giờ mất đứa con trai duy nhất nữa thì cám cảnh lắm. Vì thế, tôi quyết định bào chữa, mục đích không chỉ cứu một mạng người mà còn cứu cả gia đình Trúc. Tôi chỉ mong tòa án và dư luận xét hoàn cảnh gia đình Trúc, mở cho họ một tia hy vọng cuối cùng", luật sư Vi nói.
Tuy nhiên, lời bào chữa của luật sư không thể làm cho Trúc thoát án tử hình. Bào chữa không thành, vị luật sư này nhận nuôi con trai nhỏ của Trúc. "Tôi vô cùng vui mừng, hạnh phúc sau khi mọi nỗ lực đã được đền đáp. Tôi mong Trúc cố gắng cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng, sớm quay về với gia đình, làm lại cuộc đời", luật sư Vi nói.
Băng cướp trước vành móng ngựa. Ảnh: K.T. |
Trước đó, phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 12/2013 đã tuyên phạt tử hình Trúc về tội Cướp tài sản. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tử hình với anh ta.
Cùng tội danh trên, đồng phạm của Trúc là Trần Văn Luông (27 tuổi, ngụ Bến Tre) lĩnh án tù chung thân, Nguyễn Hoàng Phương (22 tuổi, ngụ Ninh Thuận) 20 năm, Huỳnh Thanh Sơn (33 tuổi, ngụ Tây Ninh) 18 năm và Trần Thanh Tuyền (24 tuổi, ngụ Ninh Thuận) 12 năm tù.
Các bị cáo có hành vi giúp sức và tiêu thụ tài sản cho băng cướp của Duy gồm Đàm Văn Võ, Cao Danh Hưng, Huỳnh Bảo Anh nhận các mức án từ 9 tháng đến 12 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, Trúc và Nguyễn Hoàng Phương từng tham gia vào nhiều vụ cướp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Bị công an tỉnh này truy bắt, hai thanh niên này rủ nhau vào TP.HCM "lập nghiệp". Nơi đất khách quê người, Trúc và Phương thành lập băng cướp mới.
Băng cướp có 5 thành viên gồm Trúc, Luông, Phương, Tuyền và Huỳnh Thanh Sơn. Ban ngày chúng tụ tập nhậu nhẹt, sử dụng ma túy. Đêm xuống cả nhóm điều khiển xe máy mang theo dao, mã tấu lòng vòng trên nhiều tuyến đường tìm "con mồi" để ra tay.
Từ tháng 6 - 11/2012, nhóm này đã gây ra 18 vụ chém người, cướp của trên địa bàn TP.HCM làm nhiều người bị thương, lấy được số tài sản trị giá 610 triệu đồng. Đặc biệt là vụ chặt tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (31 tuổi, ngụ quận 2) cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ gây xôn xao dư luận. Nạn nhân may mắn thoát chết nhưng bị thương tật với tỷ lệ 47%.
Theo Zing