Nạn nhân vụ tai nạn làm 13 người chết: 'Tại sao án nặng vậy'

Thứ hai, 21/12/2015, 16:32
Khi dẫn ra xe thùng, hai bị cáo người Việt trong vụ sập giàn giáo làm 13 người chết đã rơi nước mắt. Nhiều bị hại chạy theo khóc lóc nói: "Tại sao tòa lại tuyên án nặng vậy".

Chiều 21/12, TAND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra phán quyết cuối cùng vụ án sập giàn giáo tại công trường dự án Fomosa (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương.

Bốn bị cáo bị đưa ra xử tội Vi phạm quy định an toàn lao động gồm hai người Việt là Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, ở Quảng Bình), Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, ở Hà Tĩnh). Hai người còn lại mang quốc tịch Hàn Quốc là Kim Jong Wook (43 tuổi) và Lee Jae Myeong (62 tuổi).

HĐXX nhận định, bị cáo Tuấn và Đức phát hiện kích bị tuột nhưng không báo cáo mà tự ý đứng ra điều chỉnh cho các bên bằng nhau. Còn Kim thừa nhận khi phát hiện giàn giáo bị rung lắc có lên kiểm tra nhưng không kiểm tra kỹ nên xảy vụ tai nạn lao động. Lời khai các bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm, kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Với các tình tiết giảm nhẹ như: gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam có công hàm gửi HĐXX, các bị cáo có thân nhân tốt... HĐXX tuyên bị cáo Kim 42 tháng tù, Lee và Tuấn cùng 36 tháng tù, Đức 30 tháng tù.

Khi dẫn giải ra xe thùng, hai bị cáo người Việt rơi nước mắt. Cùng lúc này, nhiều người (bị hại và người thân bị cáo) chạy theo khóc lóc nói: "Sao tòa tuyên án nặng vậy".

Các bị cáo tại phiên xử sáng 21/12. Ảnh: Phạm Hòa.

Trước đó, trong ba ngày (16-18/12), HĐXX đã thẩm vấn lần lượt các bị cáo.

Dù còn nhiều mâu thuẫn trong các lời khai giữa phiên tòa và lời khai lúc hỏi cung, nhưng các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình đồng thời gửi lời tạ lỗi đến các công nhân gặp nạn.

Riêng phần xét hỏi quyền lợi của các bị hại, hầu hết các nạn nhân đều đồng tình với số tiền mà công ty Samsung C&T và Công ty CP cung ứng lao động Nibelc bồi thường. Tuy nhiên, họ mong muốn hai công ty làm rõ quyền lợi của người lao động để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như mong muốn.

Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Công ty Samsung C&T và công ty CP cung ứng lao động Nibelc giải quyết dứt điểm cho các nạn nhân. Tại tòa, đại diện của hai công ty đưa ra lời hứa sẽ xem xét, nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, rà soát lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho những người gặp nạn.

Kết thúc phần xét hỏi, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tọa phiên tòa đưa ra kết luận các bị cáo dù trình độ kém, chưa có chứng chỉ hay được đào tạo bài bản nhưng vẫn vận hành hệ thống giàn giáo là việc làm ẩu, vi phạm Luật an toàn lao động, thiếu trách nhiệm và xem thường tính mạng con người.

Chị Nguyễn Thị Minh và nhiều gia đình các nạn nhân khác đều xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Ảnh: Phạm Hòa.

Sáng nay (21/12), trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho các cáo tiếp tục cho rằng, trách nhiệm chính trong vụ án sập giàn giáo tại công trường dự án Fomosa thuộc về công ty Samsung C&T chứ không phải là các bị cáo.

Cụ thể, theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng và hồ sơ vụ án khẳng định, nguyên nhân khởi nguồn làm giàn giáo đổ sập là do tuột phanh, tuột kích. Cụ thể là các má phanh của các cặp kích từ số 29 đến 32 không giữ được cố định làm cho các cặp kích bị tụt dẫn đến sập giàn giáo.

Quá trình điều tra còn cho thấy, đây là giàn giáo không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, quy trình và bảo dưỡng khi vận hành. Đặc biệt khi đưa và vận hành, nhà thầu Samsung đã không khai báo với cơ quan chức năng.

Không riêng chị Nguyễn Thị Phương Trang (vợ bị cáo Đức), gần 30 người dự khán đều khóc cho rằng tòa xử các bị cáo quá nặng. Ảnh:Phạm Hòa.

Tuy nhiên những viện dẫn này của luật sư đã bị đại diện VKS bác bỏ.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo gửi lời xin lỗi và cảm ơn tới các gia đình bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho họ.

Theo cáo trạng của VKSND Hà Tĩnh, tối 25/3, hệ thống giàn giáo tại khu vực cầu cảng Sơn Dương bất ngờ đổ sập làm 13 người chết, 29 người bị thương. Trước khi sập, nhiều người thấy giàn giáo rung lắc ba lần, đã cảnh báo đến đốc công nhưng họ không dừng lại cho đến khi gây ra hậu quả khảm khốc.

Cơ quan chức năng xác định, giàn giáo sập do 4 nguyên nhân. Thứ nhất là do tuột phanh, tuột kích, gây mất ổn định của thanh cột ray, tạo rung lắc. Thứ hai, kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp.

Ngoài ra, trước khi giàn giáo sập, sai lệch cao độ các kích (do tuột phanh, tuột kích) lớn hơn giới hạn cho phép theo quy định của nhà sản xuất là 3mm. Và nguyên nhân cuối được đưa ra là do bề mặt của một số má phanh bị rỉ sét do không được bảo dưỡng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn