Đề nghị tăng hình phạt người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

Thứ tư, 29/10/2014, 07:24
Trong hai ngày 27 và 28/10, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp phối hợp Ủy ban Nhân quyền Úc tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về hình phạt trong phần chung của bộ luật Hình sự (BLHS).

Ông Trịnh Văn Tín, bố của nạn nhân Ngọc, bức xúc trước tòa, trong vụ án Lê Văn Luyện. Luyện gây án khi chưa đủ 18 tuổi và bị tuyên phạt 18 năm tù trong phiên tòa ngày 11/1/2012 - Ảnh: Lê Quân

Theo đó, về vấn đề người vị thành niên phạm tội, quan điểm của ban soạn thảo vẫn giữ nguyên các quy định của BLHS năm 1999, tức người chưa thành niên từ đủ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất vẫn chỉ 18 năm tù. Tuy nhiên, thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, cho rằng việc giữ nguyên quy định trên đã không phù hợp với thực tiễn và công tác xét xử.

Ông Hùng đề nghị nên xem xét tăng hình phạt đối với một số ít trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo hướng khống chế hình phạt tối đa lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

“Dù rằng chính sách của nhà nước ta là khoan hồng khi xử lý người vị thành niên phạm tội nhưng cần thiết vẫn nên xử lý nghiêm minh. Tôi xin viện dẫn một vụ án cụ thể mà tôi là người trực tiếp xét xử, đó là trường hợp một bị cáo phạm hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người (sau khi hiếp dâm đã bóp cổ đứa bé đến chết vì sợ bị tố giác - PV), khi phạm tội bị cáo này chỉ còn vài ngày nữa mới tròn 18 tuổi. Bị cáo này đã hiếp dâm một bé gái chưa đầy 10 tuổi, là đứa con duy nhất của một cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể sinh thêm đứa con thứ hai. Ra trước phiên tòa, nhìn cha mẹ người bị hại đau khổ tôi không thể nói nên lời nhưng bị cáo thì nét mặt vẫn tỉnh bơ vì bị cáo biết chắc chắn rằng mức hình phạt của bị cáo cao nhất cũng chỉ 18 năm”, ông Hùng nói.

Liên quan đến phương án thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao, khẳng định: “Thu hẹp là đúng nhưng cách thu hẹp phải hợp lý” và cho rằng việc bỏ án tử hình đối với một số tội như tham ô tài sản, nhận hối lộ (nhóm tội về chức vụ), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... là không ổn”.

“Chúng ta bỏ hẳn thì không được nhưng phải chia rõ, giải thích rõ để dân hiểu cũng là những tội danh này nhưng có trường hợp phải tử hình, có trường hợp không phải tử hình. Chứ đừng làm luật xong treo đấy”, ông Quế nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu không áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn