Thấy gì sau vụ thảm sát ở Bình Phước?

Thứ bảy, 19/12/2015, 10:58
Ngày 17.12, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã đưa vụ án ra xét xử lưu động sơ thẩm vụ thảm sát giết chết 6 mạng người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước. Ngay tại phiên tòa, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Xuân – Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước, giữ quyền công tố tại phiên tòa. 
Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước

Ông Xuân đã thẳng thắn cho rằng: “Đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã xuống cấp, dẫn tới vụ thảm sát đau lòng trên”. Sau đây là nội dung trả lời phỏng vấn báo Lao Động của người đứng đầu cơ quan công tố tỉnh BP, xung quanh vụ án trên.

Cáo trạng do Viện KSND tỉnh Bình Phước phê chuẩn cho thấy nguyên nhân gây ra vụ thảm sát chỉ vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm trai gái, khi bị khước từ tình yêu; thế nhưng tại sao thủ phạm Nguyễn Hải Dương lại có hành vi giết người mang tính chuyên nghiệp và quyết liệt như vậy?

Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ thảm sát nghiêm trọng nhất, có thể nói, nghiêm trọng trên phạm vi cả nước từ trước đến nay, bởi tính chất man rợ, tàn độc…

Qua nghiên cứu 651 hồ sơ của vụ án giết người nói trên, chúng tôi đã rút ra những đặc điểm, nguyên nhân dẫn tới hành vi giết người của các bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại. Thời gian qua, có rất nhiều tờ báo, nhà tâm lý nói về vụ án này.

Họ cho rằng nguyên nhân dẫn tới hành vi giết người của các bị can là do mặt trái của nền kinh tế thị trường.v.v…

Theo tôi, không phải vậy. Thật ra, nguyên nhân sâu xa, trực tiếp dẫn tới hành vi gây tội ác của các bị can là từ động cơ, thái độ, quá trình hình thành nên tâm lý, nhân cách của chính các bị can. Quá trình hình thành nên nhân cách tiêu cực của các bị can, xuất phát ở chỗ đạo đức bị xuống cấp trầm trọng. Chính đạo đức trong một bộ phận giới trẻ đã xuống cấp đã gây ra những vụ án nghiêm trọng như vụ thảm sát ở tỉnh Bình Phước.

Đội ngũ báo chí đang tác nghiệp tại phiên tòa

“Đạo đức trong một bộ phận giới trẻ xuống cấp”, nhưng cụ thể là “xuống cấp” ở phương diện nào, tha hóa ra sao, ông cho biết sâu hơn được không?

Những kẻ gây án trong vụ thảm sát ở tỉnh Bình Phước có tuổi đời rất trẻ. Song, họ lại rất nôn nóng; họ nhìn thấy người khác có một cuộc sống sung túc, giàu sang…, rồi họ cũng mong muốn đạt được cuộc sống như vậy, làm sao trong thời gian nhanh nhất.

Vì muốn đạt mục đích đó sớm nhất, họ bất chấp đạo lý, chuẩn mực, luật pháp.v.v… Giá trị đồng tiền trong bản thân những con người này, được đặt lên cao hơn tất cả mọi chuẩn mực đạo đức khác. Họ bất chấp tất cả - dù ra tay gây tội ác giết đồng loại – để đạt bằng được mục đích đó. Ở đây, chính bản thân các bị can trong vụ án  này, quá trình hình thành nên nhân cách của Dương, Tiến và Thoại đã phát sinh các nguyên nhân trên.

Vì vậy, khi bị khước từ tình yêu, khi lòng tham trong con người cộng với sự hận thù trong tình yêu một cách ích kỷ, nhỏ nhen …; tất cả các yêu tố này góp phần “mọc” lên trong bản thân các bị cáo một ý chí, dẫn tới hành vi phạm tội ác giết người một cách man rợ.

Vì lòng tham, sự thù hận mà các bị cáo đã thực hiện tội ác một cách quyết liệt và giết cả một gia đình. Ngoài các động cơ trên, trong lúc đang gây án, các bị can suy nghĩ sẽ bị cơ quan luật pháp phát hiện, nếu để người nào đó còn sống tố cáo. Vì vậy, các bị can đã giết chết tất cả các nạn nhân, nhằm bịt đầu mối, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Một góc phiên tòa xét xử lưu động vụ án trên tại trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, tỉnh BP

Trong quá trình Nguyễn Hải Dương gây án, thể hiện có sự giúp sức của 2 người bạn là Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại. Liệu đây có phải là một sự giúp đỡ vì tình bạn của Tiến và Thoại một cách vô tình, chứ không phải từ động cơ nào khác?

Không có một tình bạn nào giúp đỡ nhau để cùng gây ra tội ác. Cũng chẳng có một tình bạn nào để lại hậu quả tàn ác như vậy. Ở đây bị can Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại cùng tham gia trong vụ án này, chỉ xuất phát từ lòng tham.

Vì đồng tiền, hai bị can này đã làm mất đi tính người để đồng lõa với kẻ chủ mưu giết người là Nguyễn Hải Dương, gây ra đau thương cho cả gia đình 7 người, giết chết 6 người, chỉ duy nhất cháu bé 18 tháng tuổi là còn sống sót.
Vụ thảm sát xảy ra ngay 7.7.2015 đã gây chấn động dư luận suốt thời gian qua.

Ba bị cáo đều bị kết tội ở mức án rất nặng? Liệu các bị cáo có được hưởng tình tiết nào giảm nhẹ hay không?

Viện KSND tỉnh BP truy tố 3 bị can tội “giết người” là vì các bị can: giết nhiều người (6 người), giết trẻ em (cháu Dư Minh Vỹ -14 tuổi, cháu Lê Quốc Anh - 14 tuổi). Để thực hiện tội phạm khác, mục đích của Dương là giết gia đình ông Mỹ để cướp tài sản.

Các bị can thực hiện tội phạm một cách man rợ - thể hiện ở chỗ trói các nạn nhân lại tra hỏi, dùng dây, tay siết cổ, lấy gối đè lên mặt làm cho các nạn nhân ngạt thở bất tỉnh sau đó dùng dao đâm vào tim. Chưa dừng lại ở đó Dương còn dung dao đâm, kéo rạch cổ các nạn nhân cho tới đốt sống cổ, làm đứt cuống họng….
Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã lãnh án tử hình do hành vi phạm tội của mình.

Hành vi có tính chất côn đồ - chỉ vì cho rằng Linh cắt đứt quan hệ với mình là do mẹ của Linh ngăn cấm, sau khi chấm dứt quan hệ với Linh, Dương cũng đã có bạn gái khác; nhưng Dương đã coi thường quy tắc trong cuộc sống, chọn hành động bạo lực, dã man giết nhiều người trong gia đình cháu Linh.

Vì động cơ đê hèn – theo lẽ thường là trong chuyện tình yêu trai gái thì phải thuận tình từ hai phía, chỉ vì cho rằng bà Nga ngăn cấm không cho Dương yêu Linh, Dương đã lên kế hoạch giết cả gia đình 6 người thể hiện tính ích kỷ cao. Nguyễn Hải Dương là người chủ mưu và trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 6 nạn nhân, cướp tài sản của gia đình ông Mỹ.

Vũ Văn Tiến là người thực hiện hành vi dùng dây siết cổ các nạn nhân để Dương dùng dao đâm và là người thực hiện hành vi cướp tài sản. Trần Đình Thoại là người thực hành và giúp sức, mua dao cho Dương, Tiến thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản. Với tất cả những lý do trên, Viện KSND tỉnh BP đã quyết định truy tố các bị can ở mức hình phạt cao nhất là “tử hình”.

Xin cảm ơn ông Lê Đức Xuân!
Theo Lao Động

Các tin cũ hơn