Sự bình thản của Vi Văn Hai tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào hồi cuối tháng 9/2015. |
Sau khi bản án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm được tuyên, Vi Văn Hai – kẻ dùng dao tước đoạt mạng sống của 4 người trong 1 gia đình, trong đó có cháu bé chưa tròn một tuổi ở bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương Nghệ An - ngay lập tức được chuyển vào phòng biệt giam dành cho các tử tù. Đại úy Nguyễn Văn Thân – Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được phân công quản lý tử tù này. Quản lý tử tù là công việc đòi hỏi người quản giáo phải có “thần kinh thép” bởi lẽ những kẻ không còn gì để mất và phấp phỏng chờ đợi cái chết luôn có những diễn biến tâm lý phức tạp, tư tưởng chống đối và nổi loạn.
Có lẽ đến bây giờ những người làm công tác điều tra, xét xử và thậm chí cả luật sư bào chữa cho Vi Văn Hai vẫn chưa thể lý giải được vì sao Hai có thể cầm dao tước đoạt mạng sống của 4 người một lúc, trong đó có cả đứa bé còn chưa biết đi? Chính vì vậy việc quản lý đối tượng trong thời gian giam giữ chờ thi hành án đặt người cán bộ quản giáo trong tình trạng phải “căng” dây thần kinh bởi không thể lường trước diễn biến tâm lý của đối tượng.
Vậy nhưng, đối với quản giáo Nguyễn Văn Thân thì việc quản lý Vi Văn Hai có phần “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với các tử tù khác. “Từ khi bị bắt giam và cả thời gian sau khi bị kết án, Vi Văn Hai luôn tỏ ra ngoan ngoãn, biết nghe lời, không quậy phá. Nhiều khi Hai còn tỏ ra vui cười, không có biểu hiện lo lắng bồn chồn hay bất an như những tử tù khác. Mỗi ngày của Hai đều diễn ra bình lặng, ăn no, ngủ kỹ”, quản giáo Nguyễn Văn Thân cho biết.
Trong những lần trò chuyện tâm tình, quản giáo Thân khéo léo nhắc đến vợ con nhưng Vi Văn Hai hầu như không chia sẻ về gia đình. Từ khi Hai bước chân vào trại chưa một lần người thân đến thăm nuôi hay gửi đồ tiếp tế. Bởi vậy ngoài chế độ ăn theo quy định của trại giam, Ban giám thị và cán bộ quản giáo trực tiếp cũng mua cho Hai những vật dụng thiết yếu hay quần áo, thức ăn.
Thường thì vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, các tử tù sẽ có nhiều diễn biến phức tạp bởi vậy các cán bộ quản giáo luôn phải “căng” hết mình nhằm không để xảy ra các tình huống bất ngờ, phức tạp. Riêng Vi Văn Hai vẫn giữ thái độ bình thản và thậm chí khá vui vẻ dù so với nhiều tử tù khác thì Hai thiệt thòi hơn khi không nhận được sự động viên từ chính những người thân của mình.
Phút trầm tư hiếm hoi của Vi Văn Hai. |
Như những phạm nhân khác, chế độ ăn ngày Tết của tử tù Vi Văn Hai được tăng gấp 5 lần so với ngày thường, gồm mỗi người một bánh chưng, thịt lợn, cá, canh xương và rau. Đêm giao thừa, đại diện Ban giám thị đến buồng giam chúc Tết, khuôn mặt của Hai dường như có một chút thay đổi tuy nhiên sự trầm ngâm đó nhanh chóng thay bằng sự bình thản và có phần vui vẻ.
“Hai tâm sự, bản Phồng sát biên giới, đường đi lại xa xôi cách trở nên Tết cũng không có nhiều thay đổi so với ngày thường. Bánh chưng thì lần đầu tiên Hai được ăn. Mặc dù được làm bằng nếp nhưng vị khác với thứ bánh gói bằng những hạt nếp nương ở bản của Hai. Hỏi có nhớ nhà, nhớ vợ con không thì Hai chỉ cười không nói. Đêm giao thừa, các tử tù khác bồn chồn, thậm chí là khóc hoặc quậy phá vì nhớ nhà thì Hai ăn xong rồi ngủ như những ngày bình thường”, đại úy Nguyễn Văn Thân cho hay.
Đối với một người quản giáo tử tù mà nói thì sự bình thản, thậm chí vui vẻ của Vi Văn Hai là một sự lạ, không giống với diễn biến tâm lý của những tử tù khác. Thái độ bình tĩnh, ngoan ngoãn của Hai sẽ giảm được nhiều áp lực đối với cán bộ quản giáo, đặc biệt là vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán. Tuy nhiên sự bình thản (nhưng không phải là lạnh lùng) của Vi Văn Hai khiến đại úy Nguyễn Văn Thân không tránh khỏi những suy tư.
“Nhiều khi tôi cũng tự hỏi tại sao Vi Văn Hai lại có thể vui vẻ như thế sau những gì đã xảy ra rồi tự tìm câu trả lời. Phải chăng do Hai sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về pháp luật, nhận thức về xã hội có phần hạn chế? Hay đó là sự bình thản của người đã biết trước cái kết của mình sau khi gây ra tội ác ghê rợn?”, quản giáo Nguyễn Văn Thân lý giải.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Vi Văn Hai đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù. Phiên tòa phúc thẩm chưa diễn ra nhưng có lẽ Hai cũng đã lường trước được kết cục của mình.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc tử tù này rơi nước mắt khi được gặp vợ con ở cự ly gần trước khi bước lên xe đặc chủng trở về trại tạm giam. Đó là lần đầu tiên Hai gặp lại vợ con kể từ khi tội ác của mình bị bại lộ. Điều đó chứng tỏ Hai hoàn toàn không phải là người vô cảm.
Còn khóc, nghĩa là cái phần “người” của tử tù này chưa hẳn đã hết. Phải chăng thái độ bình thản của Hai trong phòng biệt giam chỉ là sự che đậy sự giằng xé tâm can của tử tù này. Có lẽ nên tin như thế…
Theo Dân Trí