Mất tích 11 năm sau khi làm việc với công an

Thứ ba, 16/02/2016, 11:05
Cho rằng ông Triển có khả năng biết về vụ trộm 2,2 tấn sắt, Công an huyện Yên Dũng, Bắc Giang đã về nhà “mời” ông lên ủy ban xã làm việc. Từ đó đến nay, gần 11 năm trôi qua, người thân không còn thấy bóng dáng ông Triển.
Chân dung ông Nguyễn Văn Triển. Ảnh do gia đình cung cấp

11 năm kêu cứu tìm chồng

Người mất tích là ông Nguyễn Văn Triển, sinh năm 1968, trú tại thôn Khôi, xã Tân An, nay đổi thành tổ dân phố Khôi, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng. Theo anh Nguyễn Văn Nhâm (sinh năm 1992, con trai ông Triển), ngày 30/5/2005, có hai người đàn ông lạ mặt đứng đợi rất lâu phía ngoài cổng nhà. Sau đó, họ hỏi Nhâm: “Bố cháu có nhà không?”. Nhâm đáp: “Bố cháu đi làm tối mới về”. Thế rồi, họ đi ra ngoài đợi tiếp. Đến chiều tối, không thấy ông Triển về, họ lặng lẽ rời đi.

Đến tối muộn, ông Triển tan ca làm, trở về nhà ăn cơm rồi nghỉ ngơi như thường lệ. Sáng hôm sau, cả nhà mỗi người một việc, rời nhà từ rất sớm. Ba ngày sau, không thấy ông Triển về, bà Nguỵ Thị Vuông (sinh năm 1970, vợ ông Triển) cùng bố mẹ chồng và con mới hốt hoảng đi tìm.

Lúc này, bà Vuông mới được anh Nguyễn Văn Hoàn (sinh năm 1977, trú cùng thôn Khôi) cho biết chồng bà đã bị công an đưa đi. Theo bà Vuông, sở dĩ ba ngày sau bà mới đi tìm chồng vì cả chồng và anh Hoàn đều đi làm xa, nhà không có điện thoại, xe máy, đi làm cũng phải đi nhờ người khác nên việc ông Triển đi vài hôm không về với gia đình bà là chuyện bình thường.

“Lúc đó, anh Triển mặc áo cộc nên xin các anh công an về nhà thay áo nhưng họ không cho, bắt phải đi ngay, sau đó tôi chưa hề biết thông tin nào khác về anh Triển”.

Anh Nguyễn Văn Hoàn

(thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, Bắc Giang)

Cả gia đình đổ xô đi tìm khắp các mối thân quen, cả trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, phải gần 1 năm sau khi bà Vuông gửi đơn đến các cấp chính quyền, bà mới nhận được câu trả lời.
Tại phiếu trả lời đơn số 163/CAYD, ngày 10/5/2006, Công an huyện Yên Dũng cho biết: “Tháng 5/2005 tại nhà máy giấy Xương Giang đóng tại địa bàn xã Song Khê, huyện Yên Dũng bị mất trộm 2.200kg sắt. Qua xác minh, thấy anh Nguyễn Văn Triển có khả năng biết sự việc trên. Ngày 31/5/2005, đồng chí Nguyễn Xuân Tín, Nguyễn Ngọc Toàn và Thân Văn Quân là cán bộ công an huyện Yên Dũng về tại xã Tân An để xác minh và trực tiếp đến xóm Khôi (Tân An) mời Nguyễn Văn Triển đến UBND xã Tân An để hỏi về nguồn tin trên”.

Cũng theo phiếu trả lời này: “Khoảng 9h ngày 31/5/2005, Nguyễn Văn Triển cùng các đồng chí công an huyện về UBND xã Tân An, nhưng vì hôm đó là ngày nghỉ cho nên UBND xã không phòng nào mở cửa, không có người trực nên không làm việc được với anh Triển. Các đồng chí công an huyện cho anh Triển về ngay buổi trưa ngày 31/5/2005. Công an huyện Yên Dũng không bắt giam, giữ Nguyễn Văn Triển bất cứ thời gian nào”.

Nhớ lại sự việc, anh Hoàn cho biết: “Lúc đó, anh Triển mặc áo cộc nên xin các anh công an về nhà thay áo nhưng họ không cho, bắt phải đi ngay, sau đó tôi chưa hề biết thông tin nào khác về anh Triển”.

“Trả lời thiếu trách nhiệm”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Nhu – nguyên Chủ tịch xã Tân An, giai đoạn những năm 2000-2005. Ông Nhu nhớ lại: “Ngày 31/5/2005 có hội diễn văn nghệ bên huyện nên toàn thể cán bộ xã (bao gồm cả công an) đi dự nên không ai biết ở ủy ban xã có việc gì. Đến khi người nhà anh Triển lên hỏi, tôi mới biết sự việc. Sau đó, tôi có gọi điện cho anh Nguyễn Xuân Tín là cán bộ công an huyện Yên Dũng thì được anh ấy cho biết hôm đó có gọi anh Triển lên làm việc, sau khi hỏi vài câu, lấy lời khai, lập biên bản xong thì cho về. Tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời như vậy”.

Ông Nguyễn Đình Nhu - nguyên Chủ tịch xã Tân An trao đổi với PV
Ông Nhu cho biết có hỏi lại công an xã và nắm được vào chiều 30/5 có cán bộ Công an huyện về đề nghị Công an xã dẫn xuống chỗ làm việc và nhà của ông Triển để kiểm tra, song không gặp được ông Triển. Đến ngày 31/5, tức Chủ nhật, toàn thể xã đi dự hội, không có công an viên nào trực ở ủy ban. Ông Nhu cho rằng, biên bản trả lời của Công an huyện Yên Dũng chung chung như vậy là thiếu trách nhiệm bởi: “Vụ án (tức vụ trộm 2,2 tấn sắt – PV) có xử hay không? Nếu xử kiểu gì cũng phải mời hoặc triệu tập ông Triển lên lần nữa, hoặc thông báo cho gia đình ông biết nhưng từ đó không có thông báo gì”.

Ông Nhu cho biết thêm, ông Triển là một người hiền lành, tại địa phương không hề mâu thuẫn với ai nên rất ít có khả năng anh dính dáng tới các vụ án. “Nếu ông Triển có tội, sợ tội mà trốn đi thì chắc chắn công an phải gọi ông lên nhiều lần, thậm chí là truy nã đằng này công an huyện cũng thừa nhận ông không hề có tội gì” – ông Nhu phân tích.

Tại buổi làm việc với báo  chiều 7/1/2016, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng, cho biết vụ việc xảy ra đã hơn 10 năm, có nhiều thay đổi về lãnh đạo nên cần có thời gian để lục lại hồ sơ.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn