Cảnh náo nhiệt bên ngoài khu chợ 13 (Quảng Châu, Trung Quốc) - nơi tập trung dân buôn đánh hàng về Việt Nam. |
Trong từng bao tải lớn vẫn được vội vã vượt biên vào nội địa theo cách này hoặc cách khác…là hàng tấn quần áo hàng chợ nhưng được gắn mác cao cấp tuồn về Việt Nam và bán với giá cao ngất. Phóng viên lặn lội sang tận Quảng Châu (Trung Quốc) để thâm nhập đường dây này...
Sau nhiều nỗ lực khai thác, anh Hoàng Nam - chủ nhân của 2 shop thời trang danh tiếng tại Hà Nội - cũng thừa nhận với tôi một thực tế rằng, dù thuế nhập khẩu các mặt hàng thời trang Trung Quốc đã giảm xuống 0% thì cho đến thời điểm hiện tại, không tác động nhiều đến công việc mà anh đã gắn bó suốt 7 năm qua là buôn lậu.
Nhập đường dây
Anh Nam giải thích: “Tuy thuế nhập khẩu về 0% nhưng hàng hóa qua cửa khẩu vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Có nghĩa đơn hàng 100 triệu đồng phải đóng 10 triệu đồng. Với số tiền 10 triệu ấy, công ty Đ có thể vận chuyển giá trị tương đương từ 300 đến trên 700 triệu đồng tùy mặt hàng từ Quảng Châu về tận cửa nhà. Đấy còn chưa kể những hàng hóa được nhập về phần lớn là hàng gia công, không tem mác, rồi cả hàng nhái. Do đó muốn đi theo đường chính ngạch cũng chẳng được”.
Tôi được anh Nam cho theo chân trong chuyến đánh hàng mới đây. Trời Quảng Châu lúc 6h30’ sáng vẫn sâm sẩm tối và khá lạnh. Dừng chân một lúc tại bến xe Việt Tú Nam, chúng tôi túc tắc đi bộ về khách sạn Đ trên đường Giải Phóng Bắc, nơi đã có 2 phòng đặt sẵn. Tôi để ý thấy nhiều nhóm người Việt được đón và dẫn đường bởi một người Trung Quốc.
Anh Nam giải thích, những người bản xứ đó hành nghề “tai”, một nghề dẫn đường lấy phí rất thông dụng ở Quảng Châu. “Nếu mới sang Quảng Châu thì nên thuê “tai”, họ sẽ phiên dịch, dẫn đường, hỗ trợ lấy hàng và chỉ cho mình những mối có giá hợp lý. “Tai” ở đây chia làm nhiều nhóm, tùy theo ngôn ngữ và đẳng cấp. Giá “tai” trung bình là 250 tệ/ngày (khoảng gần 900 nghìn đồng). “Tai” VIP có giá cao hơn nhiều, chỉ dành cho khách buôn lớn, vì “tai” VIP có thể dẫn khách đến tận xưởng để đặt hàng với giá rất rẻ nếu lấy số lượng lớn” - anh Nam nói.
Lạc bước ở “kinh đô hàng chợ của thế giới”
Quảng Châu - thủ phủ của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là một thành phố rộng lớn với hàng chục khu chợ sầm uất ken mình san sát trên những diện tích đất khổng lồ, đã và đang cung cấp hàng hóa giá rẻ cho gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Chợ sáng 13 (Shi shang hang) là điểm đến đầu tiên trong lịch trình của chúng tôi. Với đặc thù chỉ mở đến 12h sáng nên dù còn khá sớm, cảnh giao thương nơi đây đã diễn ra vô cùng tấp nập. Bên trong chợ, cảnh tượng thậm chí còn tấp nập và đông đúc hơn.
Trên một diện tích tương đương một sân vận động, hàng ngàn gian hàng (ki ốt) nhỏ tí xíu được chia đều tăm tắp, nằm san sát và đối diện nhau qua những lối đi nhỏ sâu hút. Những ngõ ngách cắt ngang cắt dọc liên tục, tạo cảnh trí giống như một ma trận khổng lồ. Để tránh lộn xộn, các ki ốt đều có biển hiệu và được đánh số thứ tự, mặc dù trên thực tế quan sát, có những gian chỉ rộng chưa đầy 2m2 vẫn phải chia làm đôi cho hai tiểu thương buôn bán đồng thời, trước mỗi gian đều có các cô gái trẻ đẹp mặc sẵn đồ để khách ngắm mẫu. Được biết giá thuê mỗi ki ốt như vậy là từ 6 nghìn - 1 vạn tệ/tháng (từ 21 - 35 triệu đồng).
Những bao hàng lớn vẫn được cánh “cửu vạn” ngày đêm cõng qua biên giới (ảnh chụp tháng 1.2016). |
Theo lời anh Nam, tuy trong chợ có hàng nghìn gian hàng, nhưng rất hiếm gặp hiện tượng bị trùng mẫu quần áo, bởi đằng sau mỗi diện tích nhỏ xíu ấy là cả một kho xưởng cực lớn, khách muốn lấy bao nhiêu cũng có. Hàng vạn tiểu thương trong chợ cũng đều là bán hàng lâu năm, có uy tín nên dù là khách mới cũng không sợ bị nói thách nhiều, nhất khi mua buôn.
Đều là dân chuyên nghiệp, nhóm bạn anh Nam dễ dàng tìm được nhiều mẫu quần áo, giày dép, túi xách… ưng ý với giá chỉ từ 30 - 50 tệ ở nhiều ki ốt khác nhau và nói có thể bán giá gấp 3 lần trong hệ thống cửa hàng của mình. Cứ như vậy, trong suốt buổi sáng, việc của họ chỉ là chọn mẫu, đặt số lượng, trả tiền và ghi chép lại các thông tin. Các cửu vạn sẽ nhận nhiệm vụ đi gom hàng và đưa tất cả ra ngoài cổng chợ.
Sau nhiều ngày quần thảo tại các khu hàng chợ, anh Nam cũng dẫn tôi đến nơi mà anh gọi là “phần đẳng cấp nhất của Quảng Châu”. Tại đây, anh không mua đồ để bán mà chỉ lựa mỗi thứ một vài sản phẩm để sử dụng và biếu tặng. Không giống với những khu chợ bình dân đã đi qua, nơi tôi đến là chợ quần áo Bạch Mã và chợ đồ da Quây Hoa Cảng (phố Bạch Vân) mang dáng dấp của những trung tâm thương mại thực sự với những gian hàng to đẹp được bài trí sang trọng. Cả hai nơi này, theo giới thiệu, đều là những lựa chọn hàng đầu nếu khách muốn tìm nguồn hàng chất lượng cao hoặc hàng “nhái” các thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Tại tầng 6 chợ Bạch Mã, dừng chân tại một gian hàng lớn trưng bày các phẩm cao cấp dành cho nam giới, chúng tôi được tiếp đón đon đả bởi một người phụ nữ đứng tuổi, dáng bà chủ. Đặc biệt, người này có thể nói tốt tiếng Anh, một trường hợp rất hiếm gặp ở Quảng Châu. Đây cũng là cửa hàng chuyên làm nhái các mẫu hàng của Italia. Anh Nam, mặc dù có thâm niên trong lĩnh vực thời trang, nhưng cảm nhận về hàng hiệu của anh cũng chỉ ở mức vừa phải. Mân mê chiếc áo khoác hiệu D&G trên tay, anh Nam trầm trồ thán phục: “Hàng đẹp từ chất liệu đến đường may. Rất giống hàng thật”.
Tôi lật thử bên trong thấy đường may rất sắc sảo, miếng vải lớp túi lót in mờ tên hãng D&G, các tem size, bảng hướng dẫn giặt, nút dự phòng... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Trong cửa hàng, còn đủ các thương hiệu nổi tiếng khác của Italia như Gucci, Valentino, Mango, Milano, Versace... Ngoài ra còn rất nhiều mẫu quần áo không thấy in nhãn mác nhưng trông cũng rất “khôn”, được giải thích là “chỉ đóng mác sau khi mua hàng để phòng trường hợp bị quản lý thị trường bắt giữ”.
Sau ít phút phân vân, chúng tôi đều chọn cho mình được những sản phẩm ưng ý. Trong khi tôi mua chiếc áo khoác hiệu Valentino thì anh Nam mua liền 4 - 5 chiếc. Tất cả đều rất giống thật và có giá thậm chí chưa bằng 1/5 hàng chính hãng theo catalogue. Trong lúc cửa hàng tiến hành đóng gói và đính mác, anh Nam rủ rỉ kể: “Cái gọi là hàng hiệu ở Việt Nam phần đa đều lấy từ đây, cứ lập lờ đánh lận con đen nên rất khó phân biệt”. Nhận thấy sự hồ nghi trong mắt tôi, anh Nam cười lớn nói thêm: “Đẳng cấp làm nhái của Quảng Châu là làm được cả nhãn mác lẫn “tem chống hàng giả. Tất cả đều giống hệt hàng thật. Phải sành sỏi lắm mới phân biệt được”.
Tiếp tục hành trình, tôi thậm chí còn bị choáng ngợp hơn khi bước chân vào tòa nhà 7 tầng chuyên bán đồ da có tên gọi Quây Hoa Cảng. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý rằng những gì nhìn thấy đều là hàng fake (“nhái”), nhưng sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, từ mẫu mã cho đến chất lượng sản phẩm, cung cách tiếp thị… đều khiến tôi tưởng như đang lạc bước giữa trung tâm đồ hiệu đích thực. Đủ các sản phẩm với mẫu mã giống hệt các thương hiệu cao cấp như Chanel, Hermes, Gucci hay Louis Vuitton... đều có thể dễ dàng tìm thấy tại đây.
Do đều là đồ cao cấp, hoặc “nhái” cao cấp nên giá cả các mặt hàng tại đây cũng cao hơn hẳn mặt bằng chung. Giá mỗi chiếc túi xách giao động khoảng từ vài trăm cho đến vài vạn tệ. Cá biệt, có những chiếc fake theo phiên bản đặc biệt hoặc phiên bản hạn chế của các hãng nổi tiếng trên thế giới thì giá có thể còn cao hơn nữa.
Khi mang một chiếc túi xách fake ở đây ra so sánh với một chiếc túi hàng hiệu, anh Nam lại một lần nữa lắc đầu lè lưỡi, thừa nhận không thể phân biệt được bởi… giống quá. Từ đường kim, mũi chỉ, logo, nhãn hiệu đều giống nhau một cách tinh tế. Ngoài ra, theo tìm hiểu được biết, khách buôn khi tới Quảng Châu đánh hàng “nhái” cũng có thể tìm đến các căn phòng nằm khép mình ở tầng trên cùng của những trung tâm thương mại. Đây là những căn chung cư được gia công cửa kiên cố, lắp camera theo dõi, nhưng hàng hóa được bày bán bạt ngàn ở phía trong. Muốn vào tham quan mua hàng phải có người dẫn lên hoặc phải nhờ các “tai” VIP...
Theo Lao Động