Như PV đã đưa tin, 9 em nhỏ tại Hà Giang đã may mắn thoát khỏi tay bọn buôn người và tìm đường về Việt Nam, sau khi bị đối tượng người Trung Quốc dụ dỗ lừa đi lao động làm thêm kiếm tiền.
Theo tường trình của các em, ngày 2/3, có một đối tượng người Trung Quốc không rõ tên tuổi đến tận nhà dụ dỗ đưa các em sang Trung Quốc làm thuê với lời hứa trả lương 100 nhân dân tệ mỗi ngày.
Hiện đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp điều tra làm rõ.
Các em nhỏ người dân tộc thiểu số H'Mông đã may mắn thoát khỏi tay bọn buôn người và tự "mò đường" về Việt Nam. |
Thời gian qua, tình trạng bắt cóc trẻ em tại một số địa phương đang xảy ra theo chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tá Trần Thế Hưởng, Phó Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, có khoảng gần 20.000 vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm, trong đó, số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ trong một năm.
Nhìn nhận liên quan đến vụ việc, Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật Sư Hà Nội đánh giá: Do sự non nớt, ngây thơ, nhận thức còn hạn chế, nên trẻ em đã trở thành đối tượng cho những kẻ bắt cóc lợi dụng, lừa gạt. Với mục đích xấu, các đối tượng bắt cóc đã gây ra hậu quả cực kỳ đau lòng cho những đứa trẻ thơ dại. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau về tinh thần. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh những bậc phụ huynh, cơ quan chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới con em mình.
Theo ông Tiến, pháp luật cũng đưa ra mức trừng trị rất nặng với tội mua bán trẻ em, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tù chung thân.
Phân tích thêm vụ việc, ông Tiến cho rằng, theo tường trình của các em, có một đối tượng người Trung Quốc không rõ tên tuổi đến tận nhà dụ dỗ đưa các em sang Trung Quốc làm thuê với lời hứa trả lương 100 nhân dân tệ một ngày. Tuy nhiên, trong quá trình lên kế hoạch, dụ dỗ 9 em nhỏ này để đưa sang Trung Quốc rất có thể có sự tham gia của nhiều người ở các vị trí tổ chức, xúi giục, giúp sức, hoặc trực tiếp thực hiện hành vi mua bán người.
Do đó, nếu phát hiện ra có nhiều người tham gia thực hiện hành vi mua bán người thì những người này là đồng phạm về tội mua bán trẻ em theo Điều 120 BLHS. Đồng thời phải chịu trách nhiêm hình sự về tội mua bán trẻ em với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Khoản a Điều 120 BLHS là phạm tội có tổ chức.
Luật sự Tiến nhận định, vụ án này có sự tham gia của nhiều người trong đường dây bắt cóc, buôn bán trẻ em. |
Ông Tiến chỉ rõ: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì: “mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác”.
Trong vụ án này, nếu cơ quan điều tra tìm ra người có một trong các hành vi mua bán người được nêu tại các điểm từ Điểm a đến Điểm d nêu trên đối với 9 trẻ em (có độ tuổi từ 13 tuổi đến 15 tuổi) này thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo khoản 2 Điều 120 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 với các tình tiết tăng nặng tại Điểm d Khoản 2 Điều 120 BLHS “mua bán nhiều trẻ em”, Điểm e Khoản 2 Điều 120 BLHS “để đưa ra nước ngoài”. - ông Tiến phân tích
“Trường hợp nhóm người này đã thực hiện hành vi mua bán trẻ em từ 5 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứ trách nhiệm hình sự), nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đực xóa án tích và người phạm tội lấy các lần mua bán trẻ em làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán trẻ em làm nguồn sống chính thì những người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em với tình tiết tăng nặng là “có tính chất chuyên nghiệp” hoặc “tái phạm”, “tái phạm nguy hiểm” (theo hướng dấn tại Khoản 1Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP)” – ông Tiến khẳng định.
Ngoài ra, tùy thuộc vào mục đích mua bán trẻ em của những người này là gì (như mua bán trẻ em nhằm lấy một phần cơ thể của trẻ em, sử dụng trẻ em vào các mục đích tàn ác dã man như làm thí nghiệm, lao động nặng nhọc hoặc sử dụng trẻ em phục vụ cho hoạt động mua bán dâm) thì người phạm tội còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em với tình tiết tăng nặng là “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” (Điềm đ Khoản 2 Điều 120 BLHS); “để sử dụng vào mục đích nhân đạo “Điểm g Khoản 2 Điều 120 BLHS); hay “để sử dụng vào mục đích mại dâm” điểm h Khoản 2 Điều 120 BLHS.
“Đối với tội mua bán trẻ em, người phạm tôi còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm (Khoản 3 Điều 120 BLHS)” - Luật sư cho biết thêm.
Theo Dân Trí