Chia sẻ với PV và một số phóng viên báo, đài khác sau buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp chiều ngày hôm qua (6/4), Thứ trưởng Khánh khẳng định:"Hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay xuống tận thôn, bản, tận nhà người dân. Cán bộ quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương hiện chỉ có 4 người, sẽ rất khó quản lý ngày đêm hoạt động này được".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Bộ Công Thương rất mong nhận được đơn thư của người dân, đặc biệt những người được mời tham gia đa cấp thấy các dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất chính báo lại cho các cơ quan chức năng. |
"Chính vì vậy, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các Sở Công Thương địa phương và sự tố giác của nhân dân. Nếu người dân phát hiện kinh doanh đa cấp sai trái không cáo giác, chúng tôi rất khó xử lý và nắm bắt được", ông nói.
Kinh doanh đa cấp đang có nhiều dấu hiệu biến tướng và hệ lụy đến cho xã hội ngày càng nhiều hơn, ông có đánh giá gì về thực trạng này?
Hiện nay, công bằng mà nói các nước hành lang pháp lý về kinh doanh đa cấp cũng như Việt Nam. Thậm chí hành lang chúng ta còn cụ thể hơn họ như: nếu doanh nghiệp muốn bán hàng đa cấp tại các tỉnh phải đăng ký kinh doanh với các tỉnh nữa (ngoài việc đăng ký giấy phép kinh doanh với Bộ Công Thương).
Ví dụ, nếu mở khóa đào tạo tại tỉnh, công ty đa cấp phải báo cho UBND tỉnh mới được phép hoạt động. Các tỉnh cử nhân viên đến theo dõi anh có quảng cáo quá mức hay không để xử phạt.
Dường như ở các nước, người dân có cảnh giác hơn với những lời mời chào 1 vốn, 400 trăm lời. Còn ở Việt Nam tôi vẫn đang suy nghĩ vì sao các anh chị em, cô bác vẫn có thể tin vào những lời quảng cáo như vậy để tham gia vào đa cấp. Nếu bà con cô bác nghe thấy quảng cáo như này, thì hãy nghĩ ngay đó là đa cấp biến tướng và hãy báo ngay cho cơ quan chức năng.
Việc phát hiện công ty đa cấp hiện nay của Bộ ra sao, cơ chế xử lý thế nào?
Đặc điểm của kinh doanh đa cấp là bán hàng ở các địa phương, tại nhà cho nên khi mà người dân được mời tham gia nếu nhận thấy có dấu hiệu bất ổn, chúng tôi mong người dân đứng lên và khiếu nại để chúng tôi có cơ sở xử lý. Nếu người dân, người tham gia đa cấp không đứng lên khiếu nại, cơ quan quản lý sẽ rất khó, rất lâu để phát hiện và xử lý.
Còn thông thường khi các đơn vị đi kiểm tra chủ yếu là kiểm tra giấy tờ, sổ sách như: trụ sở có đúng với đăng ký kinh doanh không? giấy tờ có khớp? hóa đơn xuất hàng hoàn chỉnh, doanh thu khớp với số liệu nộp thuế, hỏi đào tạo như nào thì họ đào tạo đúng như những gì họ đăng ký. Hàng hóa dãn nhãn đúng như là quy định và đăng ký.
Nếu chỉ dựa vào hoạt động này sẽ khó phát hiện đa cấp bất chính. Chính vì vậy, nếu có những lời tố cáo của người dân về mạng lưới bán hàng đa cấp vi phạm, trái luật thì chúng ta có thể xử lý nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu trong việc quản lý kinh doanh đa cấp?
Hiện nay, theo Nghị định 42, Chính phủ giao trách nhiệm đầu tiên về quản lý bán hàng đa cấp là cho UBND các tỉnh. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là ở khoản 5, trong khi đó, trách nhiệm kiểm tra giám sát của các tỉnh là ở khoản 1, khoản đầu tiên. Đấy là nhiệm vụ Chính phủ giao và Bộ Công Thương chỉ đôn đúc, nhắc nhở các tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương là ngành dọc, chúng tôi có trách nhiệm nhắc nhở các tỉnh quản lý, kiểm tra bán hàng đa cấp.
Chúng tôi rất thiết tha mong người dân khi phát hiện công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như: chỉ tuyển người mà không bán sản phẩm; bán sản phẩm không đúng với chất lượng, quảng cáo sai, quá mức phẩm chất có sẵn của hàng hóa. Đây là điều kiện để các cơ quan chức năng vào cuộc, đưa doanh nghiệp sai phạm ra ánh sáng.
Sau đợt thanh tra mở rộng các đơn vị kinh doanh đa cấp dự kiến kết thúc vào tháng 5/2016 Bộ Công Thương vẫn duy trì kiểm tra?
Chúng tôi sẽ kết thúc thanh tra vào khoảng tháng 5/2016.
Chúng tôi cho rằng một Nhà nước mà chỉ đi kiểm tra ngày đêm thì không phải là hoạt động quản lý tốt, hình thức quản lý tốt nhất là xây dựng pháp luật đầy đủ, đồng thời xây dựng lực lượng toàn xã hội tham gia vào quản lý.
Cục Quản lý cạnh tranh hiện chỉ có 4 người quản lý bán hàng đa cấp việc đi kiểm tra ngày đêm các DN là rất khó. Ở đây cần lôi kéo các cơ quan quản lý vào cuộc, xã hội vào cuộc để tiếp nhận thông tin, tố cáo vi phạm.
Nếu người dân, đặc biệt là người tham gia vào đa cấp bị lừa nói ra sự thật với chúng tôi, câu chuyện xử lý sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi sẽ rất khó xử lý các đơn vị kinh doanh đa cấp nếu người dân, người bị hại không cung cấp thông tin.
Việc quản lý đa cấp thuộc về trách nhiệm của các Sở Công Thương, nhưng nếu các tỉnh vẫn để đa cấp bất chính tồn tại và hoạt động thì sẽ khó. Bộ sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân và các Sở như thế nào?
Rất khó yêu cầu cơ quan quản lý phải giám sát tất cả các hoạt động của các công ty đa cấp 24/24 giờ. Nếu trong trường hợp cơ quan quản lý chứng minh được họ đã làm hết sức, hết năng lực của mình, đã tổ chức kiểm tra, giám sát, không có gì hổ thẹn với chính mình nhưng vẫn có một vụ việc xảy ra, thì người nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nếu chúng ta chứng minh được rằng cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý, thì cơ quan quản lý, người đó đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu người quản lý hoàn thành trách nhiệm mà vẫn có vụ việc xảy ra ngoài ý muốn thì trực tiếp đơn vị kinh doanh, người gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quản lý kinh doanh đa cấp hiện đang như thả gà ra đuổi, nhiều người cho rằng nên cấm hoạt động này?
Chúng tôi cho rằng, không vì những hoạt động của một vài doanh nghiệp đa cấp biến tướng để đề xuất cấm tất cả. Việc cấm thì rất dễ, nhưng chúng tôi không đi theo hình thức “không quản được thì cấm”. Chúng tôi nhận thấy, ở các nước không xảy ra những vấn đề phức tạp ở kinh doanh đa cấp, chúng tôi đang tìm nguyên nhân và giải pháp.
Hiện nay, bên cạnh những công ty đa cấp biến tướng, thì vẫn có những công ty đa cấp làm ăn chân chính. Chúng tôi đã và đang bằng mọi cách để truy tìm những công ty, doanh nghiệp sử dụng đa cấp để lừa đảo, biến đa cấp thành một mô hình kinh doanh mới để làm ăn bất chính.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Trí