Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 PC46 cho Ống kính Sài Gòn biết, 7 tên sa lưới gồm: Ihugba Agustine Chinonso (SN 1986, quốc tịch Nigeria, tạm trú quận 12), Onu Chinonoso Peter (SN 1985, quốc tịch Nigeria, tạm trú quận 12), Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (SN 1992, quê tỉnh Nghệ An), Lê Văn Nhóc (SN 1995, quê tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (SN 1993, quê tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (SN 1990, quê tỉnh Bình Thuận) và Trần Viết Hùng (SN 1982, ngụ TP.Hà Nội).
Băng nhóm 7 tên lừa đảo sa lưới |
Cả 7 đối tượng nêu trên hiện đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Chúng dùng thủ đoạn rất cũ, mà trước đây nhiều nạn nhân từng sập bẫy, dư luận từng cảnh báo, đó là làm quen trên mạng xã hội, xưng là những người đàn ông giàu có ở nước ngoài... rồi tặng quà, gửi tiền phí nhận quà… nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân nhẹ dạ, cả tin.
Tang vật công an thu giữ của băng nhóm lừa đảo |
Theo điều tra, năm 2013, Trần Viết Hùng có quen biết với Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, thông qua Tuyết giới thiệu là quen biết với nhiều người nước ngoài gốc Nigeria và kết thành băng nhóm lừa đảo qua mạng.
Tuyết tìm cách tiếp cận lấy thông tin, địa chỉ liên lạc với những người gốc Phi này cho vợ chồng Hùng và rủ hai vợ chồng này tham gia vào đường dây lừa đảo. Vợ chồng Hùng cung cấp thêm thông tin tài khoản cho nhóm lừa đảo, đi rút tiền, chuyển tiền rồi giao lại cho Tuyết.
Những kẻ tiếp tay cho kẻ lừa đảo nước ngoài lừa phụ nữ Việt Nam |
Ban đầu, Hùng dùng số tài khoản của mình để cung cấp cho nhóm người gốc Phi và cho Tuyết. Sau đó, Hùng móc nối với Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành, Nguyễn Văn Hải tìm kiếm tài khoản cung cấp cho mình.
Từ tháng 12.2015 đến 3.2016, Hùng đã cung cấp cho Tuyết hơn 50 thẻ ATM. Sau đó, Hùng cùng với nhóm của Nhóc đi rút được hơn 4 tỉ đồng từ việc lừa đảo các nạn nhân và được chia lại hơn 400 triệu đồng.
Cũng từ đây, Hùng quen biết hai người đàn ông gốc Phi là Ihugba Agustine Chinonso, Onu Chinonoso Peter (không phải trong nhóm lừa đảo của Tuyết). Hai người này đã cung cấp thông tin của chị N.T.H.C (SN 1979, ngụ TPHCM) và yêu cầu vợ chồng Hùng dùng thủ thuật lừa đảo tương tự để chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng gốc Phi khai nhận được đồng bọn điều sang Việt Nam với mục đích kết bạn với nhiều người phụ nữ Việt Nam qua mạng xã hội Facebook sau đó hứa sẽ cưới họ và gửi nhiều quà có giá trị để đồng bọn móc nối lừa đảo bằng cách trước khi nhận quà có giá trị lớn, thì nạn nhân phải chuyển tiền phí nhận quà và chiếm đoạt tiền của bị hại.
Từ tháng 12.2015 đến cuối tháng 3.2016, có khoảng hơn 80 nạn nhân là phụ nữ Việt Nam bị băng nhóm này lừa chiếm hàng chục tỉ đồng.
Theo Lao Động