Như PV đã đưa tin, tại Ninh Bình trong buổi kiểm tra đột xuất các lái xe tải, xe taxi và xe khách trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình phát hiện 7 trường hợp dương tính với ma túy. Các tài xế này sau đó đã bị tạm giữ giấy phép lái xe và phương tiện điều khiển.
Trong nhiều năm qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn chưa được kiểm soát, nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy nên đã không làm chủ được tay lại. Còn lái xe thì cho biết do các chủ xe lại tạo áp lực bằng những yêu cầu gắt gao về doanh số, số lượt, hành trình,… buộc tài xế phải lái xe với cường độ cao để đảm bảo thu nhập của mình, dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy.
Trên thực tế có khá nhiều trường hợp các lái xe, nhất là lái xe đường dài sử dụng chất ma túy, coi đó như là thuốc “an thần” để giữ tỉnh táo khi làm việc. Thậm chí họ còn truyền tai nhau cách để “thoát” mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Theo cơ quan chức năng, để quản lý và phát hiện thì thực sự không dễ.
Lực lượng liên ngành tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra sức khỏe các lái xe trên địa bàn |
PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư TP.Hà Nội liên quan đến vấn đề này
Chế tài xử phạt với những tài xế có hành vi này được quy định như thế nào, thưa ông?
Việc các lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi bị cấm, được quy định trong Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật này thì nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
Người điều khiển ôtô cần phải đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, phải khám sức khỏe định kỳ. Theo quy định tại thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21 tháng 08 năm 2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe ôtô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe thì người lái xe và người sử dụng lao động lái xe ôtô đều phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ….
Nếu họ bị phát hiện hành vi sử dụng chất ma túy, Theo quy định tại Điều 5 mục I chương II Nghị Định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì “Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng (Trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Như vậy, đối với các lái xe có sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện, nếu bị phát hiện thì có thể bị phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng. Nếu tái phạm, họ sẽ bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.
Ngoài ra, thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT còn quy định người sử dụng lao động là lái xe ôtô có trách nhiệm: Sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe theo tiêu chuẩn quy định; Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ôtô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động; Thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đột xuất theo quy định và Quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các quy định này thì người sử dụng lao động là lái xe ôtô là những người có nghĩa vụ phải sử dụng những lái xe đảm bảo sức khỏe, đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Thông qua những lần khám sức khỏe, họ có thể biết được tình trạng sức khỏe của người lao động, đồng thời có thể nắm bắt được liệu người lao động là lái xe của mình có sử dụng các chất kích thích hay không. Ngoài ra, khi phát hiện thì cần áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, nếu không hiệu quả thì cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện đối với những lái xe này.
Nếu người sử dụng lao động biết được người lao động là lái xe sử dụng chất ma túy trong lúc làm việc nhưng vẫn đồng ý và giao phương tiện thì theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người này có thể bị “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý;”.
Trường hợp xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện mà sử dụng chất ma túy có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 BLHS, với tình tiết tăng nặng là “sử dụng chất kích thích”.
Trường hợp qua kiểm tra mà phát hiện khối lượng ma túy lớn (từ 100gr heroin hoặc cocain; từ 75kg lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca; từ 600kg quả thuốc phiện khô; từ 150kg quả thuốc phiện tươi; từ ba trăm gram chất ma túy khác ở thể rắn hoặc từ 750ml chất ma túy khác ở thể lỏng) thì người này có thể phải chịu trách nhiệm về tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” theo quy định của BLHS.
Phải chăng các chế tài đối với tình trạng lái xe sử dụng ma túy chưa đủ nghiêm cũng như chưa đủ sức răn đe, thưa luật sư?
Như tôi đã nói tình trạng lái xe sử dụng chất ma túy không hiếm gặp trên thực tế, đặc biệt là các tài xế lái xe đường dài. Họ thường lý giải bởi mình phải lái xe một quãng thời gian dài, liên tục nên họ thường phải sử dụng đến trợ thủ là ma túy tổng hợp để giúp họ tỉnh táo, bởi ma túy thường gây cho người dùng những hưng phấn, ảo giác.
Thực tế việc tài xế sử dụng ma túy không phải chỉ có ở Việt Nam, nhưng rõ ràng ở Việt Nam, hậu quả để lại vô cùng lớn, đã có không ít những vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra có nguyên nhân liên quan đến việc tài xế sử dụng ma túy gây nên. Mặc dù trong Luật đã có quy định về vấn đề này và đã có chế tài xử phạt, tuy nhiên, theo tôi được biết hầu hết các địa phương đều không có đủ trang thiết bị để xác định tài xế có sử dụng ma túy hay không nên rất khó xử lý.
Do vậy, để giảm tình trạng tài xế sử dụng ma túy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra các điểm dừng nghỉ của tài xế đường dài để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn bán ma túy và chất gây nghiện đối với tài xế đường dài. Những tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy phải bị xử lý nghiêm, tước bằng lái.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Dân Trí