Quyết chặn tội phạm từ trứng nước
- Ông nhận định gì về việc gần đây nhiều tội phạm từ Hải Phòng vào liên kết với tội phạm tại Đà Nẵng để hình thành nên các băng nhóm giang hồ?
- Thật ra cứ thấy chỗ nào thuận lợi thì tội phạm sẽ tăng cường hoạt động thôi. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm không nên loại trừ địa phương nào cả.
Ngăn chặn tội phạm từ các địa phương khác đến lập băng nhóm gây án là một nhiệm vụ trọng tâm của Công an TP.Đà Nẵng. Thời gian qua, chúng tôi đã khám phá một số kẻ buôn bán ma túy từ các tỉnh phía Bắc (chủ yếu từ Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn…) vào Đà Nẵng hoạt động.
Đối với loại tội phạm này, chủ trương của chúng tôi là nhanh chóng phát hiện, triệt phá từ lúc mới manh nha. Phải xử lý triệt để, quyết liệt ngay từ đầu mới kịp thời ngăn chặn chúng hình thành nên những băng nhóm phức tạp. Nếu chậm trễ, để tội phạm từ nơi khác đến có thời gian câu kết với các băng nhóm địa phương thì tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng (mặc sắc phục đứng phía trước ảnh), thăm người cai nghiện. |
- Công an TP.Đà Nẵng sẽ làm gì để chặt đứt ngay từ đầu ý đồ của các băng nhóm giang hồ phía Bắc, thưa ông?
- Khi tội phạm ở các địa phương khác tới, thông qua công tác quản lý địa bàn, nếu phát hiện được là chúng tôi xử lý ngay, không để chậm trễ. Cụ thể, nếu người đó có lệnh truy nã thì Công an TP.Đà Nẵng sẽ phối hợp với công an địa phương bắt giữ ngay. Còn những người có “vấn đề” sẽ được theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn kịp thời trước khi gây án.
Nếu kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm gây án thì đó mới được xem là thành công của lực lượng công an. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Công an TP.Đà Nẵng.
Không có đất sống cho tội phạm vùng ven
- Các băng nhóm giang hồ Hải Phòng bị triệt phá trong thời gian qua tại Đà Nẵng chủ yếu là buôn bán ma túy. Theo báo cáo, số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn cũng tăng. Vậy sắp tới Công an TP sẽ trấn áp loại tội phạm ma túy như thế nào?
- Phòng, chống tội phạm ma túy là phải phòng từ xa. Hiện nay Công an TP thường xuyên trao đổi thông tin về tội phạm ma túy với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an các tỉnh phía Bắc. Mục đích để chủ động phát hiện các đường dây ma túy từ những địa phương này thâm nhập Đà Nẵng, từ đó kịp thời triệt phá.
Hướng thứ hai là phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn thật tốt. Một biện pháp chắc chắn phải thực hiện là thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Yếu tố người dân cùng tham gia đấu tranh chống tội phạm cùng lực lượng công an là hết sức quan trọng.
Với hỗn hợp các giải pháp trên, hy vọng công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng của Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
- Việc trấn áp một số “trùm” ma túy thường mang vỏ bọc công dân tốt hoạt động ở khu vực giáp ranh với Quảng Nam có khó khăn gì, thưa ông?
- Từ năm 2015, Công an TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã có quy chế phối hợp chống tội phạm chặt chẽ. Vừa rồi chúng tôi cũng đã sơ kết một năm thực hiện quy chế này.
Theo đó, ở những địa bàn giáp ranh hai địa phương, lực lượng công an hai địa phương phải cùng vào cuộc phòng, chống tội phạm. Chúng tôi có phân định hết sức rõ ràng trách nhiệm trong công tác phối hợp. Không có chuyện do là khu vực giáp ranh nên không anh nào chịu trách nhiệm đâu.
Thời gian qua Công an TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã phối hợp triệt phá nhiều vụ án tại khu vực giáp ranh. Tôi cho rằng việc tăng cường phối hợp giữa công an các vùng giáp ranh là một giải pháp hết sức cần thiết để xử lý có hiệu quả các băng nhóm tội phạm.
Theo Zing