Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. |
Ông Khánh cũng thừa nhận, Bộ Công Thương chắc chắn có trách nhiệm trong việc quản lý các hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC).
Sao không cảnh báo để dân khỏi bị lừa?
Khi phát hiện các sai phạm của LKV, tại sao Bộ Công Thương không công khai quyết định xử phạt? Việc công khai quyết định xử phạt sẽ giúp khoảng 2 vạn người trên tổng số 6 vạn người tham gia không bị mạng lưới này lừa, gây thiệt hại?
Khác với người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan quản lý chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép làm. Đối chiếu với quy định của pháp luật cạnh tranh thì quyết định xử phạt LKV không thuộc diện được niêm yết công khai. Cục QLCT cũng không thể cảnh báo “doanh nghiệp này có dấu hiệu lừa đảo” bởi lừa đảo là bị khép tội hình sự, chỉ cơ quan điều tra mới có thẩm quyền xem xét, kết luận.
Với những vi phạm nghiêm trọng của LKV, trước khi ra quyết định xử phạt, Cục QLCT có báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương?
Việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động BHĐC là việc làm thường xuyên trong chức năng của Cục QLCT. Vì vậy, anh em không báo cáo từng vụ việc cụ thể mà thường chỉ báo cáo số liệu tổng hợp công tác chung. Thí dụ như đã kiểm tra, xử phạt bao nhiêu đơn vị, tổng số tiền phạt bao nhiêu...
Tôi thừa nhận các cán bộ của Cục QLCT đã áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc quy định của pháp luật. Tôi lấy lại ví dụ về niêm yết công khai quyết định xử phạt. Sau này, anh em có báo cáo khi đó họ cũng phân vân và vì thế, đã kiểm tra kỹ quy định của pháp luật. Do pháp luật quy định rõ chỉ được niêm yết công khai quyết định xử phạt trong các trường hợp A, trường hợp B, không bao gồm trường hợp như của LKV nên anh em đã không công bố. Làm vậy là cứng nhắc. Nếu anh em báo cáo, tôi nghĩ chúng tôi có thể đã có quyết định khác và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định đó. Gần đây, chúng tôi đã yêu cầu Cục QLCT công khai các quyết định xử phạt trong lĩnh vực BHĐC tới 63 Sở Công Thương các tỉnh để cùng phối hợp quản lý.
Liên Kết Việt rầm rộ khai trương văn phòng ở nhiều nơi. |
Kiểm điểm thế nào mới thật lòng?
Ông suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của Cục QLCT và Bộ Công Thương trong vụ việc này?
Ngay sau khi vụ việc được cơ quan điều tra cung cấp thông tin ban đầu, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục QLCT báo cáo, giải trình về toàn bộ quá trình cấp giấy chứng nhận, sau đó là kiểm tra, xử phạt công ty LKV. Anh em đã 2 lần báo cáo, giải trình nhưng lãnh đạo bộ thấy vẫn chưa rõ trách nhiệm nên đã yêu cầu làm lại. Cụ thể là phải làm rõ hơn nữa trách nhiệm ở từng khâu, kể cả trách nhiệm chỉ đạo của tôi, người được bộ trưởng phân công phụ trách Cục QLCT.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bán hàng đa cấp, trong tổng số 1.900 tỷ đồng thu được, LKV đã chi ra khoảng 1.100 -1.200 tỷ đồng để chi hoa hồng, duy trì bộ máy. Trong vụ việc LKV, thiệt hại thực của người dân bao nhiêu rất khó ước tính. |
Khi đã bàn về trách nhiệm, tôi nghĩ có 2 vấn đề lớn. Trước hết, cần kiểm điểm không chỉ trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà còn cả trách nhiệm theo lương tâm, nằm ngoài quy định của pháp luật. Có thể anh đã làm đúng quy định của pháp luật nhưng cần kiểm điểm xem đã thực sự làm hết theo cái tâm của công chức hay chưa. Pháp luật có thể không cho phép công chức công bố công khai một quyết định xử phạt nhưng nếu đó là việc có lợi cho dân, tại sao không làm? Kiểm điểm đến mức đó mới là thật lòng.
Sau đó, cơ quan quản lý luôn có 2 trách nhiệm song hành. Một là, xây dựng khuôn khổ pháp luật. Hai là, vận hành khuôn khổ pháp luật đó. Khi đã có chuyện xảy ra, chắc chắn phải có khiếm khuyết ở một trong hai khâu. Thậm chí là ở cả hai. Nếu anh nói đã “vận hành” đúng mà chuyện vẫn xảy ra thì chắc chắn anh phải có trách nhiệm ở khâu “xây dựng”, không có cách nào trốn tránh được.
Nói chuyện này, tôi không có ý bào chữa mà ngược lại, muốn khẳng định thêm về trách nhiệm. Nếu đã thấy cái gì đúng, có lợi thì phải kiên quyết bảo vệ. Đó mới là làm hết trách nhiệm. Ngay cả ở khâu “vận hành”, kể cả khi anh nói đã “vận hành” đúng thì đó mới là ý kiến của anh. Đúng hay không, đủ hay chưa, cấp trên của công chức mới là người xem xét, quyết định và công luận mới là nơi phán xét công chức.
Như vậy, có thể hiểu là chưa có báo cáo, giải trình cuối cùng và vì thế, Bộ cũng chưa đề cập đến việc xem xét kỷ luật cán bộ?
Hiện nay thì chưa.
Rất đau xót
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục QLCT cảm thấy thế nào trước những nạn nhân của LKV? Ông đánh giá thế nào về hoạt động kinh doanh đa cấp hiện nay và Bộ Công Thương sẽ có biện pháp gì để hạn chế tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo gây thiệt hại cho người dân?
Với những nạn nhân của LKV, chúng tôi thấy rất đau xót. Bởi lẽ trước đó, đã xảy ra một số vụ việc lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, thí dụ như Tâm Mặt Trời, MB24. Sau các vụ đó, báo chí đã phanh phui gần như toàn bộ các chiêu thức lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo... của đa cấp bất chính, các cơ quan quản lý cũng đã lên tiếng cảnh báo nhưng tại sao vẫn còn người mắc nạn? Quả thực là tôi không hiểu và vì thế, rất đau.
Xuất phát từ đây, có lẽ phải xem lại toàn bộ khâu quản lý hoạt động BHĐC, dù các quy định vừa mới được nâng cấp vào năm 2014, cách đây chưa đầy 2 năm. Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Phải nói pháp luật của ta về quản lý hoạt động BHĐC là tương đối đủ. Thế giới cấm cái gì ta cũng đã cấm cái đó, trong đó có kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Thế giới yêu cầu vốn pháp định và tiền ký quỹ, ta cũng vậy.
Thậm chí ta còn yêu cầu các doanh nghiệp khi đến từng tỉnh, khi tổ chức hội thảo… đều phải thông báo cho Sở Công Thương để theo dõi và thực hiện chức năng quản lý theo địa bàn. Kiểm tra cũng đã làm, xử phạt cũng đã làm, thậm chí phạt nặng. Vậy tại sao vẫn có vụ LKV, tại sao vẫn có người bị lừa? Hơn nữa, tại sao các vụ việc lình xình lại chủ yếu xảy ra ở khối công ty Việt Nam, ít khi xảy ra ở khối có vốn đầu tư nước ngoài?
Rất tiếc là trước khi Cục QLCT vào kiểm tra LKV, thậm chí đến tận tháng 10/2015, khi báo chí đã chuyển tải một khối lượng lớn thông tin về LKV, chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ người dân về hoạt động của công ty này. Đây cũng là việc mà quá trình hoàn thiện hệ thống quản lý tới đây phải lưu ý.
Gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh những dấu hiệu vi phạm quy định về BHĐC tại các đơn vị kinh doanh đa cấp khác như Thiên Ngọc Minh Uy, Thiên Lộc, Unicity... Bộ Công Thương có nắm được những phản ánh này?
Chúng tôi đã công khai đường dây nóng (0439387846) để nhận phản ảnh và có quy trình để xử lý các phản ảnh từ người dân và báo chí. Dựa trên các phản ảnh này, Cục QLCT đã tổ chức đoàn liên ngành, bao gồm cả cơ quan công an và quản lý thị trường, để kiểm tra một số công ty BHĐC. Một số đơn vị, dù không có phản ảnh nào của báo chí, cũng được đưa vào diện kiểm tra lần này, bởi đó là hoạt động bình thường, theo chức năng của Cục QLCT.
Cũng xin thông tin thêm, trong đợt kiểm tra giữa năm 2015, Cục QLCT không chỉ xử phạt một công ty LKV mà còn nhiều đơn vị khác, với tổng tiền phạt trên 5 tỷ đồng. Các quyết định xử phạt này, như tôi đã trình bày, đã được công khai tới các Sở Công Thương để cùng phối hợp quản lý. Thí dụ, nếu có sự tái phạm, chắc chắn các sở và bộ sẽ không chỉ dừng ở mức xử phạt.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong