Bằng sự khéo tay của mình, phạm nhân nữ có thể chế ra nhiều món đồ tinh xảo chỉ bằng sợi dây len. |
Toát mồ hôi với việc… giữ lửa
Như đã kể ở bài báo trước, việc tạo ra lửa để… châm điếu thuốc, đối với những người đang thi hành án tù là cả một công phu cùng những đòi hỏi sáng tạo lạ lùng.
Tạo ra lửa đã khó, giữ được lửa ở trong buồng giam còn gian nan gấp bội phần.
T., một cựu tù ở trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) kể, giữ lửa ở buồng giam lớn (chứa khoảng 3-40 phạm nhân) còn có thể, chứ ở buồng biệt giam chỉ có 2 ông ở với nhau thì coi như nhịn, bởi có muốn cũng không làm nổi.
Thông thường ở mấy buồng giam đông người, có hẳn một phạm nhân khéo tay được tín nhiệm giữ vai trò "củi lửa".
Cả ngày phạm nhân này chẳng phải làm bất cứ việc gì ngoài chăm chăm... canh sao cho lửa không tắt.
Dụng cụ anh ta dùng chỉ đơn giản là chỉ hoặc một cuộc giấy vệ sinh.
Thủ thuật giữ lửa bằng chỉ khá phức tạp và khó khăn, người giữ lửa phải chạy đi chạy lại căng chỉ như con thoi khắp phòng, để lửa có thể ngún theo sợi chỉ chạy vòng vèo khắp nơi mà không tắt.
Còn nếu có giấy vệ sinh thì dễ dàng hơn nhiều. Tay "củi lửa" sẽ cuộn chặt giấy vệ sinh lại thành sợi dài, có khi lên tới cả chục mét, để lửa cháy âm ỉ hệt như kiểu một cây nhang.
Có "cây nhang giấy" đặc biệt này, cả phòng có thể ung dung dùng lửa cả ngày mà không cần tốn công tốn sức!
Thanh sắt nhỏ xíu có thể là vật vô dụng với nhiều người, nhưng với người tù này thì đó là chiếc chìa khóa vạn năng. |
Đang kể chuyện "củi lửa", chợt T. cười phá lên khi nhớ lại một câu chuyện hài hước trong tù. Chẳng là khi đó, anh ta cùng một phạm nhân khác bị nhốt trong dãy buồng nhỏ, chỉ 2 người một phòng.
Anh bạn kia đi cung (đi hỏi cung) xin được cán bộ điều tra vài điếu thuốc mang về phòng. Cả tháng trời mới nhìn thấy thuốc lá, mắt cả 2 sáng ngời như đèn pha ôtô, nhưng đáng tiếc là có thuốc mà không có lửa.
Bí quá, T. chợt nghĩ ra chiêu dùng dây vải kéo vào miếng gỗ. Chiêu này anh từng nghe kể lại chứ chưa thử bao giờ, nhưng trong trại tạm giam thì có gì mà ngại. Gì chứ thời gian thì hai chàng là... tỷ phú!
Không hiểu "sai sách" ra sao mà cả tiếng đồng hồ kéo cưa, hai chàng mồ hôi vã ra như tắm, cả người mỏi nhừ mà ngọn lửa vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu.
Đúng lúc đó, một cán bộ quản giáo mở cửa phòng đưa cơm, nhìn hai "ông tù" hì hà hì hục kiếm lửa thấy vừa thương vừa buồn cười, quát: "Cất ngay mấy cái giẻ rách đi. Thuốc đâu, đưa đây tôi châm cho mà hút!".
Thế là câu chuyện kiếm lửa của 2 phạm nhân đã có một cái kết rất có hậu, nhờ sự "linh động" đầy tình người của người quản giáo...
Không cần nồi vẫn có thể nấu mì tôm, đun nước pha trà
Khả năng sáng tạo và tận dụng mọi thứ của phạm nhân có thể đạt tới đẳng cấp "quỷ khốc thần sầu".
V, anh bạn quản giáo công tác tại trại giam Trần Phú vẫn còn buồn cười khi nhớ lại quãng thời gian lơ ngơ của mình khi mới tiếp xúc với môi trường đặc biệt này.
Anh kể: “Hồi mới vào nghề, tôi cũng "tồ" lắm. Đi xét buồng, cứ chăm chăm kiếm xem phạm nhân giấu nồi ở đâu mà đun được cả nước nóng uống trà.
Đến lúc có phạm nhân tự giác buồn cười quá bảo, chúng nó đun bằng túi nilon thì cán bộ tìm ra làm sao được mà tôi vẫn không tin. Cuối cùng, bảo phạm nhân ấy làm tận mắt tôi mới dám tin là đun nước sôi bằng túi nilon được thật!”
Đun nước bằng túi nilon hay bình lavie chỉ là một trong những thủ thuật nho nhỏ của phạm nhân trong 4 bức tường.
Đây là cách phạm nhân đun nước pha trà. |
Công việc này chỉ chủ yếu cần điều chỉnh lửa sao cho thật nhỏ, thật đều và không cháy trực tiếp vào "nồi" là được.
Thời gian để đun sôi một "bóng" nước cũng khá lâu, chừng gần nửa tiếng đồng hồ. Còn nhiên liệu đốt sẽ là túi nilon quấn chặt, mảnh nhựa vỡ cưa ra từ chậu, gáo, các loại hộp đựng đồ...
Hơi lách cách một tí, nhưng so với việc có được một ấm trà nóng hay bát mì tôm nóng hổi giữa 4 bức tường giam lạnh lẽo kể cũng là xứng đáng!
Thợ may siêu đẳng và ca sĩ siêu hạng
Những phạm nhân không mấy hứng thú với "ẩm thực" có thể dành thời gian rảnh rỗi của mình làm nhiều việc khác và may vá cũng là một thú vui.
Quần áo cũ (phạm nhân trước khi xử án vẫn được quyền mặc đồ ở nhà gửi vào), đặc biệt là quần bò, áo sơ mi loại xịn sẽ được dỡ ra để làm nguyên vật liệu để may vá, tạo ra những thành phẩm đẹp tới đáng ngạc nhiên.
Những chiếc túi xách chắc chắn, đẹp đẽ và rất hợp thời trang, có cả khóa kéo hoặc cúc bấm đàng hoàng được làm bằng quần bò, còn những chiếc sơ mi sẽ biến thành áo gối nhiều màu sắc.
Đáng kinh ngạc hơn khi biết rằng, tất cả mọi thứ mà các "thợ may" có trong tay chỉ là kim làm bằng cật tre vót nhọn, chỉ nilon hoặc rút ra từ chiếc chăn của trại.
Riêng khoản may vá này thì các chị em trong trại lại sở trường hơn đám mày râu khá nhiều. Cứ nhìn các bộ đồ của phạm nhân nữ thì biết, hầu hết đều đã được tháo ra sửa lại sao cho thật vừa vặn, thật "hợp thời trang".
Ở trại giam, phạm nhân nữ thường sáng tạo nhiều món đồ lưu niệm không đâu có được. |
Bản năng yêu cái đẹp của người phụ nữ thì ở môi trường nào cũng luôn được gìn giữ và phát huy tới mức tận cùng, kể cả môi trường trại giam cũng không ngoại lệ!
Nhiều người sẽ tự hỏi trong tù, người ta có gì để mà giải trí? Thật ra thì dù có rất nhiều thứ hạn chế, nhưng các phạm nhân vẫn có thể tự tạo ra cho mình những niềm vui nho nhỏ trong 4 bức tường.
Cách đơn giản nhất là... hát cho nhau nghe chẳng hạn.
Ở các trại giam lớn, có khối "ca sĩ" trại sở hữu chất giọng mượt mà không thua một ngôi sao nhạc vàng thứ thiệt, mỗi lần cất giọng là cả cán bộ cũng phải nao lòng.
Nghe đâu, đợt nam ca sĩ N.S "xộ khám", giọng ca ngoại hạng này còn từng hứng chí "giao lưu" âm nhạc với các "cao thủ" trong tù và rốt cuộc, N.S... thua cuộc vì không hát được nhiều bài như đối thủ!
Kiện tướng… cờ mồm
Ngoài ca hát, một môn giải trí được ưa chuộng không kém nữa chính là chơi cờ tướng.
Chẳng hiểu tại sao, nhưng cờ vua, cờ vây gần như không có đất sống trong trường trại. Chỉ duy nhất cờ tướng cực kỳ được ưa chuộng trong tù.
Với những phạm nhân bình thường, thôi thì cuống chiếu, cây tăm hay cục gạch cùng có thể thay thế xe, pháo, mã…
Thế nhưng, ở những buồng giam lớn, tôi từng được chứng kiến bộ cờ tướng tròn xoe, tinh xảo, từng quân đều chằn chặn, nhìn còn "xịn" hơn vô số những bộ cờ bán ngoài đường.
Khi được hỏi bộ cờ được làm bằng chất liệu gì, chàng trưởng buồng gãi đầu gãi tai bảo: “Dạ, bọn em nặn bằng... ruột bánh mì!”.
Cờ mồm cũng là một phát minh độc đáo khác trong 4 bức tường giam.
Thường thì loại cờ này rất phổ biến trong các khu biệt giam, khu tử hình - những buồng giam chỉ nhốt từ 1-2 người, bởi loại cờ này sẽ được chơi bởi 2 người không hề thấy mặt nhau.
Mỗi người có một bàn cờ đặt trước mặt, sau đó sẽ lần lượt xuất quân bằng mồm theo quy ước riêng.
Họ chia bàn cờ ra thành nhiều ô, sau đó sẽ xướng tên của quân cờ ứng với vị trí tương tự trên bàn cờ.
Đối thủ cũng theo đó mà tự di chuyển quân của mình cũng như quân của đối thủ, để rồi rốt cuộc 2 kỳ thủ có thể mải miết "chiến" ngày này qua ngày khác mà chẳng bao giờ gặp mặt!
Phạm nhân nữ dành sự khéo léo của mình cho việc sản xuất lông mi giả. |
Đủ mọi thứ sáng tạo, phát minh ngộ nghĩnh trong môi trường thiếu tự do có lẽ cũng đã mang tới cho những con người trót lỡ lầm đôi chút thoải mái, tiện nghi và những niềm vui nho nhỏ.
Không chỉ cải thiện cuộc sống, nó còn cải thiện cả tâm hồn họ khi góp phần làm mất đi những suy nghĩ tiêu cực, những u buồn chán nản trong cảnh lao tù.
V - anh bạn cựu quản giáo rít sâu một hơi thuốc, trầm ngâm: "Cái gì phạm nhân làm quản giáo chẳng nhìn thấy được.
Có điều, cái gì linh động và xem xét bỏ qua được, thì vẫn cố gắng để họ có được chút thoải mái, tự do trong bốn bức tường giam. Nói gì thì nói, họ và mình cũng vẫn là con người, ông ạ!"
Theo Soha