Xử phúc thẩm vụ 'con ruồi trong chai nước ngọt': Tai họa từ lòng tham

Thứ tư, 07/09/2016, 12:01
Ngày 8/9, vụ án Võ Văn Minh liên quan đến sản phẩm của Tân Hiệp Phát sẽ được xét xử phúc thẩm tại TP.HCM. Có nhiều nghi vấn đã đặt ra với sản phẩm, đạo đức kinh doanh của Tân Hiệp Phát, vậy đâu là sự thật?
Một số tiền rất lớn

Theo bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm, anh Võ Văn Minh phát hiện con ruồi trong chai nước, sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Anh Minh yêu cầu Cty này trả 1 tỷ đồng, sau đó hạ xuống 600 triệu đồng, cuối cùng là 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng.

Nếu không thỏa mãn yêu cầu anh Minh dọa sẽ gửi thông tin và hình ảnh chai nước có ruồi cho các cơ quan chức năng, báo chí, mạng xã hội, đồng thời in 5.000 tờ rơi phát cho người tiêu dùng để làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát.

Tân Hiệp Phát tiếp nhận phản ánh, đã gặp anh Minh để đề nghị được kiểm tra và xác định rõ về chai nước được cho là bị lỗi, nhưng anh Minh không đồng ý. Suốt quá trình diễn ra sự việc trong gần 2 tháng, hành động của anh Minh chỉ là yêu cầu trả tiền, nếu không sẽ làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát.

Anh Minh không khiếu nại về chất lượng sản phẩm, không đòi bồi thường thiệt hại. Trong quá trình điều tra anh Minh thừa nhận mình không có thiệt hại, do nghĩ rằng Tân Hiệp Phát là một thương hiệu lớn, sẽ sợ mất uy tín, nên dọa để đòi tiền nhằm mục đích mua đất cho mình.
Võ Văn Minh thừa nhận hành vi trong phiên sơ thẩm (ảnh tư liệu)
Sau khi gặp và giải thích nhiều lần, Tân Hiệp Phát không chấp nhận các đòi hỏi từ anh Minh và đã báo cơ quan công an. Anh Minh bị bắt khi nhận tiền từ Tân Hiệp Phát. TAND tỉnh Tiền Giang đã xử phạt anh Minh 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Để nhìn nhận đúng về sự việc, cần xác định một người tiêu dùng đúng đắn sẽ phải làm gì khi ở trong tình huống như anh Minh. Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng có quy định: Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bên cung cấp hàng hóa bồi thường thiệt hại (nếu có); người tiêu dùng có quyền và nghĩa vụ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về những sai phạm của bên cung cấp hàng hóa.

Đồng thời, pháp luật nghiêm cấm người tiêu dùng lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi của mình để xâm phạm lợi ích của người khác, đặc biệt là bên cung cấp hàng hóa.

Trong trường hợp này, anh Minh đã không thực hiện các quyền của mình nhằm xác định nguyên nhân chai nước có “con ruồi”, đòi bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra …; anh Minh chỉ yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền hoặc anh Minh sẽ làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát.

Trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất

Trước những yêu cầu tương tự như của anh Minh, doanh nghiệp cung cấp sẽ có hai lựa chọn cơ bản.Thứ nhất, lặng lẽ chấp nhận trả tiền để tránh rắc rối, cho dù chất lượng sản phẩm có do lỗi của mình hay không.

Cách làm này có thể giải quyết xong vụ việc trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ không bảo vệ được uy tín của doanh nghiệp khi các sự việc tương tự phát sinh, sẽ tạo nên môi trường, văn hóa kinh doanh không lành mạnh, khuyến khích “đòi tiền để đổi lấy sự im lặng”.
Võ Văn Minh được dẫn đến tòa (ảnh tư liệu)
Thứ hai, không chấp nhận trả tiền, báo cơ quan pháp luật để xử lý hoặc không báo cơ quan pháp luật xử lý nhưng chuẩn bị các phương án đối phó khi “đối tượng” tung tin thất thiệt, khi “khủng hoảng truyền thông”.

Bất cứ ai, nếu thấy các dấu hiệu, các hành vi phạm tội đều phải báo cho các cơ quan pháp luật để xử lý, đây vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của công dân để bảo vệ quyền lợi của chính mình và toàn xã hội.

Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Cty Tân Hiệp Phát khẳng định, Tân Hiệp Phát không có chủ trương dùng tiền để đổi lấy sự im lặng của khách hàng có khiếu nại, che giấu lỗi sản phẩm không dựa trên nền tảng tôn trọng pháp luật.

Khi bị ép buộc, Tân Hiệp Phát báo cơ quan pháp luật nhằm mục đích duy nhất là xử lý vụ việc đúng luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, của khách hàng và toàn xã hội. Từ sự việc này, Công ty Tân Hiệp Phát đã phải đối mặt với các nghi vấn bất lợi: Cty Tân Hiệp Phát chủ động gài bẫy anh Minh? sản phẩm của Cty Tân Hiệp Phát có ruồi? Các nghi vấn này dù chưa được làm rõ cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của Tân Hiệp Phát, sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài khác, ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nộp ngân sách, quyền lợi của người lao động …

Bà Phương cho rằng, là một doanh nghiệp tư nhân, Tân Hiệp Phát với doanh thu cả chục ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách hàng năm cả ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động ổn định. Sau sự việc “con ruồi”, sự hoài nghi đã khiến Tân Hiệp Phát phải chịu thiệt hại nặng nề, sụt giảm sức cạnh tranh.

Có dấu hiệu ngụy tạo chai nước có ruồi

Tân Hiệp Phát cũng cho biết đã nhiều lần công bố về quy trình sản xuất, kiểm tra, giám sát, tiêu chuẩn hệ thống máy móc kỹ thuật để đảm bảo không thể có ruồi trong sản phẩm của mình. Các cơ quan chức năng cũng nhiều lần kiểm tra quá trình sản xuất của Cty và kết quả kiểm tra đều thể hiện chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát đạt tiêu chuẩn như đã công bố.

Vụ án anh Minh mà lâu nay dư luận “quên” mất tình tiết quan trọng thể hiện rất rõ trong hồ sơ vụ án, đó là chai nước mà anh Võ Văn Minh phát hiện có ruồi đã được cơ quan điều tra yêu cầu giám định. Kết quả giám định đã thể hiện “phát hiện dấu vết biến dạng nắp chai nước; … dấu vết trượt xước lạ bên trong nắp chai nước …; mực nước trong chai nước gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai nước gửi mẫu so sánh …” và “Nắp chai nước gửi giám định đã được mở ra khỏi chai nước và đóng nắp lại”. Chai nước được coi là bị lỗi, có ruồi đã được mở ra sau khi sản phẩm này xuất xưởng, đây không phải là sản phẩm còn nguyên vẹn của Tân Hiệp Phát. Tòa án đã nhận định chai nước “có ruồi” này không phải là sản phẩm lỗi của Cty Tân Hiệp Phát.

Tân Hiệp Phát đã có đơn đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho anh Võ Văn Minh.

Theo Gia đình & Xã hội

Các tin cũ hơn