Được đình chỉ điều tra "nhờ" bị bệnh tâm thần
Cuối tháng 4/2016, Đào Thị Thu Thảo (31 tuổi, Giám đốc chi nhánh một công ty) bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt tạm giam. Ngay sau đó, công ty đình chỉ công tác với Thảo và cử người khác lên thay.
Thời gian tạm giam, Thảo được cho là có nhiều dấu hiệu không bình thường nên Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng gia đình đã đề nghị giám định tâm thần với bị can.
Kết luận giám định của Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa ngày 3/8 thể hiện: "Trước, trong và sau khi gây án, đương sự bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần. Hiện nay, đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Tại thời điểm gây án và hiện nay, đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi".
Ngày 4/8, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu căn cứ vào kết luận giám định pháp y này đã ra quyết định số 04/VKS-P2, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam với Thảo. Thực hiện quyết định, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hủy bỏ biện pháp tạm giam với Thảo và đưa nghi can đi chữa bệnh bắt buộc tại Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương, phân viện phía Nam.
Sau 2 tháng chữa bệnh, ngày 27/9, Viện pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định tâm thần lần 2 với Thảo, nội dung sức khỏe tâm thần của bệnh nhân đã ổn định và không cần điều trị bắt buộc. Ngày 28/9, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra thông báo về việc đình chỉ điều tra với Thảo.
Người phụ nữ này liền làm đơn gửi công ty đề nghị được đi làm lại. Đầu tháng 10, sau khi được chấp nhận đơn, Thảo quay lại công ty tiếp tục giữ chức giám đốc như trước khi vụ án xảy ra.
Theo ông Vũ Xuân Rồng, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì người bị bệnh tâm thần trước và trong khi gây án như Thảo thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau khi áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc, nếu bị can khỏi bệnh thì sẽ được bàn giao về cho gia đình. Do đó, việc đình chỉ điều tra với Thảo là đúng quy định?
Ngôi trường nơi cháu bé bị tiêm máu nhiễm HIV. Ảnh: Khắc Thành |
Tâm thần khó có thể thực hiện vụ án tỉ mỉ như vậy
Dư luận thắc mắc là liệu một người được cho bị bệnh tâm thần trong thời gian gây án như Thảo lại có thể lên kế hoạch tỉ mỉ để hại con của tình địch. Bị bệnh tâm thần nhưng người phụ nữ này vẫn giữ chức vụ giám đốc chi nhánh của một công ty?
Luật sư Trương Quang Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, tâm thần có 2 dạng phổ biến là tâm thần phân liệt, nghĩa là người bị bệnh hầu như không có nhận thức. Còn một dạng tâm thần là bình thường, họ tỉnh táo, nhưng đôi lúc bị mất kiểm soát về nhận thức và hành vi.
Theo luật sư, nếu Thảo bị tâm thần thật, không nhận thức được hành vi của mình trong quá trình gây án thì theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự, bị can này không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu cho rằng bà Thảo bị tâm thần trong quá trình gây án thì phải chứng minh được rằng tâm thần ở giai đoạn nào, từng hành vi cụ thể nào. Dựa vào những căn cứ nào để chứng minh Thảo bị tâm thần trong quá trình gây án, bởi lẽ vụ án xảy ra sau một năm mới tiến hành giám định.
Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư Hiệp nhận định, một người tâm thần khó có thể thuê người điều tra rồi lên nhiều kế hoạch tỉ mỉ, thực hiện một chuỗi hành vi để hại con của tình địch. Trong vụ án, hành vi Thảo gây ra là của một người bình thường, hoàn toàn có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
Theo nhận định của luật sư, quá trình điều tra vụ án này và giám định tâm thần với Thảo còn nhiều vấn đề. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nếu không đồng tình với kết quả giám định tâm thần hoàn toàn có thể yêu cầu giám định lại bằng một cơ quan độc lập khác.
"Đồng thời, nếu tòa án thụ lý, xét xử vụ án này thấy còn nhiều tình tiết chưa hợp lý, kết quả giám định tâm thần không khách quan thì có thể sẽ trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra, giám định lại", luật sư Hiệp nhận định.
Về việc hiện tại, Thảo đã được bổ nhiệm lại làm giám đốc chi nhánh một công ty, luật sư Hiệp cho rằng, đây là quan hệ dân sự, không liên quan nhiều đến vụ án. Sau khi chữa khỏi bệnh, nữ giám đốc này làm đơn xin quay lại làm việc và được công ty chấp nhận là bình thường.
Màn trả thù tình tàn độc
Đầu năm 2012, Thảo nghe tin bạn trai có quan hệ tình cảm với chị N.T.L. ở TP.Vũng Tàu và có con chung tên H. sinh năm 2013. Thảo thuê Lê Trung Linh (32 tuổi, giám đốc một công ty thám tử) xác minh thông tin, lấy mẫu tóc và móng tay của cháu bé để xét nghiệm ADN với giá 40 triệu đồng.
Sau khi xác định cháu H. là con của bạn trai mình, Thảo ghen tuông và nghĩ cách trả thù. Đầu tiên, cô ta bàn Linh lập kế hoạch bắt cóc H. bỏ vào chùa hoặc hại cháu bằng cách dàn cảnh một vụ tai nạn giao thông.
Tháng 5/2015, Linh rủ Huỳnh Văn Thế (31 tuổi, ngụ TP.HCM) đi gặp Thảo. Cô ta chuyển kế hoạch sang mua máu của người bị HIV rồi tiêm vào cháu H.
Ngày 1/6/2015, Linh và Thế mua 1 xi lanh máu của người nghiện rồi để tiêm vào người H. nhưng không thực hiện được theo kế hoạch. Sau đó, Thảo gọi điện thúc giục Linh tìm cách gây án.
Sáng 9/6/2015, Linh và Thế mua một xi lanh máu của người nghiện nhiễm HIV ở TP.HCM rồi chạy xe máy xuống Vũng Tàu. Khi bé H. được mẹ đưa đến trường mầm non, Thế cầm xi lanh chích vào đùi phải của cháu. Sau khi phi vụ thành công, Thảo chuyển khoản cho Linh 120 triệu đồng.
Rất may, gia đình phát hiện vụ việc kịp thời đã đưa bé H. đi điều trị phơi nhiễm HIV nên không mắc bệnh. Chị L. cho biết, không biết mối quan hệ giữa Thảo và cha cháu H. như thế nào, nhưng cô ta tìm cách hại đứa trẻ quá tàn độc.
Tuy nhiên, vụ án cũng đã qua nên chị L. không muốn nhắc lại để được yên ổn cuộc sống. Việc cơ quan pháp luật xử lý Thảo thế nào chị L. cũng không có ý kiến.
Vụ án này sẽ được TAND TP.Vũng Tàu đưa ra xét xử trong thời gian tới, Linh và Thế bị truy tố tội Cố ý truyền HIV cho người khác.
Theo Tri Thức Trẻ