Sáng 5/12, phát biểu tại hội nghị về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức, đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nói tội phạm hình sự ở địa phương này thường chuẩn bị sẵn vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện các hành vi Giết người, Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích…
Lực lượng chức năng phát hiện lô súng vận chuyển qua đường hàng không. Ảnh: Hải quan TP.HCM cung cấp. |
“Đáng chú ý, băng nhóm từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung hoạt động tại thành phố tập trung ở các lĩnh vực thu lợi bất chính như tín dụng đen, đòi nợ thuê thường gắn liền với tàng trữ vũ khí và hung khí nguy hiểm. Các băng nhóm này sẵn sàng sử dụng hung khí để thanh toán, thanh tranh trừ lẫn nhau để tranh giành lợi ích”, đại tá Tài nói.
Ngoài ra, tội phạm ma túy ở TP.HCM cũng hay sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để đối phó với lực lượng chức năng, hoặc dằn mặt đàn em và người của các đường dây ma túy khác. Trong các vụ án ma túy khám phá năm 2016, Công an TP.HCM đã thu 39 khẩu súng, 384 viên đạn cùng nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ.
Lý giải cho tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí gia tăng, Phó giám đốc Công an TP.HCM nói thời gian qua, nhiều loại công cụ hỗ trợ, súng quân dụng đã thẩm lậu qua đường hàng không. Để tránh bị phát hiện, tội phạm không vận chuyển vũ khí nguyên chiếc mà chia nhỏ từng linh kiện, rồi cất giấu tinh vi trong các kiện hàng ký gửi.
Bên cạnh đó, có tình trạng tội phạm buôn lậu làm giả con dấu, giấy tờ hải quan, chứng từ doanh nghiệp có uy tín để thông quan, tạm nhập tái xuất rồi đánh tráo hàng hóa, trong đó có vũ khí, công cụ hỗ trợ có nguồn gốc từ Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với tội phạm liên quan đến vũ khí là việc những người này lợi dụng mạng Internet để liên lạc mua bán, hướng dẫn sản xuất, sử dụng súng và vật liệt nổ.
Nêu vụ 4 sinh viên ở TP.HCM gặp nạn khi chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng, đại tá Tài cho rằng các biện pháp trinh sát, đấu tranh với tội phạm buôn vũ khí qua mạng hiện nay cần triệt để hơn nữa.
Phó giám đốc Công an TP.HCM nói để phòng ngừa, lực lượng chức năng phải nắm chắc danh sách các băng nhóm đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi; mở rộng các vụ án sử dụng vũ khí và thường xuyên tổng kiểm tra hành chính khu vực giáp ranh đề phòng tội phạm vượt biên mang vũ khí về nước để tiêu thụ, gây án.
Theo Tổng cục cảnh sát, năm 2016, 32 người chết và 208 người bị thương liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Lực lượng chức năng cả nước đã thu giữ hơn 1.100 khẩu súng các loại, gần 14.000 viên đạn, 40 quả bom mìn, 216 lựu đạn, 386 kg thuốc nổ. Cơ quan điều tra đã bắt 926 người nằm trong 579 vụ tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí trái phép.
Theo Zing