Mất 350 triệu vì cuộc điện thoại của cảnh sát hình sự dởm

Thứ ba, 27/12/2016, 13:31
Nhận được điện thoại đe dọa của người tự nhận là trung tá công an, bà Huôi (51 tuổi, ở tỉnh An Giang) vội ra ngân hàng chuyển 350 triệu đồng theo yêu cầu.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, chi nhánh An Giang làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt trên 400 triệu đồng của bị hại qua điện thoại.

Theo cơ quan điều tra, chiều 19/12, điện thoại bàn nhà bà Huỳnh Huôi (51 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) đổ chuông. Bà Huôi nhấc máy, một người đàn ông tự nhận là trung tá, cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh.

Người này cho biết đang điều tra chuyên án ma túy lớn, nghi phạm bị bắt giữ đã khai bà Huôi có liên quan đến vụ việc. Qua điện thoại, người đàn ông buộc bà Huôi rút hết tiền trong các tài khoản ngân hàng chuyển vào số tài khoản 0300354...  cùng lời đe dọa: "Nếu bà không chuyển tiền, cơ quan điều tra sẽ thực hiện lệnh bắt tạm giam".

Người tự nhận là trung tá yêu cầu bà Huôi phải giữ bí mật, không được nói cho bất kỳ ai biết, kể cả người thân trong gia đình.

Sau cuộc điện thoại, bà Huôi đến ngân hàng chuyển hơn 350 triệu đồng vào tài khoản trên. Chuyển tiền xong, bà Huôi không liên lạc được với người này, đã đến cơ quan điều tra trình báo.

Nghi phạm lừa đảo qua điện thoại bị cơ quan điều tra bắt giữ trong một vụ án. Ảnh minh họa.

Cũng với thủ đoạn tương tự, chiều 21/12, bà Hồ Ngọc Ánh, (57 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) cũng bị lừa mất 52 triệu đồng.

Bà Ánh cho biết, bà nhận được điện thoại của một người xưng là trung tá, cán bộ của Cục C46 (Bộ Công an). Qua điện thoại, người này cho biết đang làm chuyên án ma túy lớn và thông báo bà có liên quan trong vụ án. Cơ quan điều tra đã có lệnh bắt giam 2 tháng với bà Ánh. Bà Ánh muốn tại ngoại để điều tra thì phải chuyển 52 triệu đồng vào tài khoản số 0200328...

Bà Ánh cho biết đã đến ngân hàng chuyển 52 triệu đồng vào số tài khoản 0200328 trên do Nguyễn Thanh Tùng đứng tên (có địa chỉ tại Hà Nội). Chuyển tiền xong, bà Ánh liên lạc lại với vị tự nhận là trung tá nhưng điện thoại ngoài vùng phủ sóng.

Theo cơ quan điều tra, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo qua điện thoại có chiều hướng gia tăng. Lực lượng chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo các chiêu lừa tưởng chừng rất đơn giản này nhưng nhiều người vẫn tiếp tục bị sập bẫy.

"Các cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì đó là bọn lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội”, một cán bộ điều tra khuyến cáo.

Theo cơ quan công an, để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, người dân cần đề cao cảnh giác, khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh xác minh, không làm theo yêu cầu của bọn chúng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ, không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho người khác.

Khi nhận được cuộc điện thoại nghi ngờ, không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy lừa đảo của tội phạm và phải thông báo ngay đến cơ quan công an, đồng thời thông báo cho bạn bè, người thân và những người xung quanh biết về phương thức, thủ đoạn này của tội phạm để họ cảnh giác, phòng ngừa.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích