Hủy án vụ cả nhà bị tù vì mấy cái tát

Thứ tư, 28/12/2016, 08:59
Tòa nhận định lời khai của bị hại, nhân chứng có mâu thuẫn; cấp sơ thẩm chưa làm rõ nạn nhân có khả năng tự vệ hay không nên cần hủy án để điều tra, xét xử lại.

Ngày 27-12, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ “cả nhà bị kết án vì mấy cái tát tai”. Đến 6 giờ chiều, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Trước đó, TAND huyện Di Linh đã phạt tù cả gia đình bị cáo Trịnh Văn Chân về tội cố ý gây thương tích.

Mấu chốt là bị hại có tự vệ được không

Vụ án này Pháp Luật TP.HCM từng có bài phân tích theo hướng vụ việc không đáng bị hình sự hóa. Theo hồ sơ, một ngày tháng 10-2012, sau khi nghe thông tin bà Đoàn Thị Tuyết nói vợ mình “ngủ với người cùng thôn”, ông Trịnh Văn Chân mời bà Tuyết qua nhà ông nói chuyện. Trong lúc lời qua tiếng lại, con trai và con gái ông Chân tát bà Tuyết vài cái, vợ chồng ông cũng tát làm bà Tuyết bị bầm tím mặt, chảy máu, thương tích 4%.

Ban đầu, Công an huyện Di Linh, Lâm Đồng ra quyết định xử phạt hành chính gia đình ông Chân. Thế nhưng ba năm sau, VKS yêu cầu hủy quyết định trên để khởi tố cả vợ chồng và hai con ông Chân về tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS (trường hợp cố ý gây thương tích đối với người khác không có khả năng tự vệ). Xử sơ thẩm, TAND huyện Di Linh phạt ông Chân và con trai mỗi người sáu tháng tù treo, vợ và con gái ông mỗi người sáu tháng cải tạo không giam giữ.

Sau đó Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phân tích hành vi của bốn bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS. Bởi bị hại là người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì hoàn toàn có thể kêu cứu, chống cự để tự vệ khi bị tát bằng tay. Chỉ khi nào tất cả sự chống cự này bị khống chế, làm cho bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được nữa thì mới có cơ sở xác định bị hại không có khả năng tự vệ. Chưa kể, sau khi bị tát, bị hại thấy hàng xóm đi ngang còn chạy ra nói: “Hoan ơi! Chị nói này”, chứng tỏ bị hại còn đủ bình tĩnh.

Gia đình bị cáo Trịnh Văn Chân vui mừng sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy án.

Đóng cửa sao bị hại ra ngoài gọi nhân chứng?

Ngày 22-11 vừa qua, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa phúc thẩm. Tại tòa, các bị cáo kêu oan, khai không đánh bà Tuyết liên tục mà là lúc người này đánh, lúc người khác đánh và cũng không hề đóng cửa. Bà Tuyết cũng khai: “Do sự việc chưa ngã ngũ nên khi bị đánh tôi không đứng dậy ra về. Lúc tôi vào thấy nhà mở cửa, còn sau này có đóng cửa hay không thì không biết”. Từ đó HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập các nhân chứng.

Tại phiên tòa hôm qua (27-12), các nhân chứng chứng kiến tại hiện trường đều khẳng định không ai thấy gia đình nhà ông Chân đóng cửa. Riêng hai công an viên xã (người ghi nhận sự việc và lập biên bản tại hiện trường) cũng được tòa triệu tập với tư cách người làm chứng nhưng hai vị này lại khai cũng không giống nhau, người thì nói nhà bị cáo đóng cửa, người thì khai không nhớ.

Bị hại Đoàn Thị Tuyết mong HĐXX xem xét lại hình phạt và tội danh đối với các bị cáo, thật lòng bà chỉ muốn hai gia đình hàn gắn tình chị em kết nghĩa như ban đầu.

Đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm vì nếu các bị cáo không đóng cửa thì bị hại cũng khó có khả năng tự vệ.

Luật sư của bị cáo đề nghị tòa hủy án. Theo luật sư, tại thời điểm bà Tuyết bị đánh thì bà hoàn toàn khỏe mạnh và nếu có việc đóng cửa thì làm sao bà Tuyết có thể chạy ra ngoài gọi bà Hoan (nhân chứng) được. Ban đầu bà Tuyết yêu cầu khởi tố vì cho rằng các bị cáo dùng gạt tàn thuốc để đánh (sau đó CQĐT kết luận lời khai này không có cơ sở - PV) chứ không phải là đóng cửa.

Sau khi nghị án, đến 6 giờ tối HĐXX tuyên án. Tòa nhận định lời khai của bị hại, nhân chứng có mâu thuẫn với nhau. Bản án sơ thẩm chưa làm rõ bà Tuyết có khả năng tự vệ hay không nên tòa hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Lý do hủy án này gần đúng với những gì mà Pháp Luật TP.HCM từng phân tích, mổ xẻ.

Theo PLO


Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích