Sau 10 ngày xét xử, trong phiên tòa phúc thẩm ngày 5-1, HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục tập trung vào khoản vay từ 12 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh.
Một số bị cáo là nhân viên rửa xe, bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh đã được thuê làm giám đốc ăn lương. Các bị cáo cho rằng do hoàn cảnh khó khăn, lương chỉ được 4 triệu đồng/tháng nên khi được đề nghị làm giám đốc đã vui vẻ nhận lời với mức lương tăng dần từ 6 triệu lên 10 triệu đồng/tháng.
Bị cáo Phạm Công Danh sau phiên tòa sáng 5-1 |
Các bị cáo này cho biết chỉ làm giám đốc thuê, chỉ biết ký tên các khoản vay hàng trăm tỉ đồng. Khi tiền được chuyển vào tài khoản, các giám đốc này không được rút đồng nào mà chuyển lại cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Khi được hỏi, cựu chủ tịch VNCB Phạm Công Danh đã xin giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh vì những người này chỉ làm theo nghị quyết của tập đoàn, không hưởng lợi được gì.
Bị cáo Phạm Công Danh phủ nhận bản án sơ thẩm, cho rằng án sơ thẩm quy kết và buộc tội Danh là chưa đúng, một số hành vi hoàn toàn không đúng.
Bị cáo Bạch Quốc Hào (nguyên Phó Giám đốc Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của VNCB) khai rằng chỉ nhớ ký 10 chứng thư định giá, trong đó có định giá lô đất 816 Tô Hiến Thành (quận 10) thuê làm hội sở VNCB. Bị cáo cho rằng mình định giá đúng với giá thị trường và không nâng khống giá trị.
Bị cáo Hào thừa nhận khi khảo sát thì bị cáo không có đi thực tế bởi yêu cầu chứng thư định giá trong ngày. Sau đó, bị cáo có yêu cầu người đi khảo sát lại.
Bị cáo Hào khai dựa vào chứng thư định giá của Bộ Tài chính, thông tin trên mạng để đưa ra những con số cụ thể. Bị cáo này bảo lưu ý kiến và khẳng định không nhận chỉ đạo, chỉ đạo nâng khống giá trị như bản án sơ thẩm quy kết. Điều này đã được các bị cáo từng làm việc tại ngân hàng và nhân viên của bị cáo Hào khẳng định.
Theo Hào, chứng thư định giá của công ty bị cáo là độc lập so với quy chế cho vay của ngân hàng, so với những quy định của ngân hàng, vì thế công ty của bị cáo không vi phạm. Phương pháp thu thập là phương pháp được Bộ Tài chính cho phép nên công ty của bị cáo Hào mới sử dụng.
"Kết quả chứng thư mà bị cáo đưa ra chỉ mang tính đề trình, không quyết định được các khoản vay trong hợp đồng tín dụng của ngân hàng. Trong tài sản tại sân vận động Chi Lăng thì công ty của bị cáo và công ty của Tập đoàn Thiên Thanh chưa được công chứng nên bị cáo muốn loại bỏ trách nhiệm khoản này ra khỏi vụ án”- Bạch Quốc Hào biện minh.
Trái với ý kiến của Bạch Quốc Hào, bị cáo Thái Minh Thanh (định giá viên Công ty VNCB AMC) khai rằng trước khi đưa ra chứng thư định giá tài sản thuộc sân vận động Chi Lăng và đất ở 209 Trường Chinh (TP.Đà Nẵng) Thanh có đề xuất đi thực tế nhưng Hào không đi. Thanh cho rằng do Hào không chịu đi nên Thanh cũng không có ý kiến gì bởi lúc đó là sinh viên mới ra trường, làm theo chỉ đạo của cấp trên, nâng giá trị lô đất cao hơn, lên tới 178 triệu đồng/m2nhưng không biết việc mình làm phục vụ lợi ích cho ai.
Khi được hỏi có chỉ đạo nhân viên nâng khống các chứng thư định giá để làm tài sản thế chấp vay vốn hay không, Phạm Công Danh khẳng định không bao giờ chỉ đạo nhân viên làm như vậy. Bị cáo này nói: “Tôi không yêu cầu, chỉ đạo bất cứ ai bởi đó là những công ty thẩm định giá có uy tín và được Bộ Tài chính công nhận. Tôi chỉ mong được nói ra sự thật còn việc phán quyết cuối cùng là ở HĐXX. Có nhiều vấn đề bị cáo chưa được trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, mong HĐXX cho bị cáo được trình bày”.
Từ chối công bố số fax của Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trong những phiên tòa trước, luật sư của bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu bà Trần Ngọc Bích cung cấp số fax của Tập đoàn Tân Hiệp Phát để làm rõ một số vấn đề nhưng bà Bích từ chối vì bà đến phiên tòa với tư cách cá nhân chứ không phải đại diện cho công ty. Thể theo yêu cầu của luật sư, trong phiên tòa ngày 5-1, chủ tọa yêu cầu công bố số fax của Tân Hiệp Phát nhưng đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố nói rằng số fax đã rõ trong hồ sơ vụ án nên không công bố mà chỉ cung cấp riêng cho HĐXX. |
Theo NLĐ