Đại án VNCB: Kiến nghị làm rõ tài liệu có dấu hiệu làm giả?

Thứ sáu, 06/01/2017, 08:55
Phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đang diễn ra với khá nhiều "điểm nóng". Trong đó, các luật sư đề nghị cần làm rõ, điều tra về nguồn gốc bản fax có dấu hiệu giả mạo.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB và là thuộc cấp của bị cáo Phạm Công Danh tại toà.

Tại tòa ngày 5/1, luật sư Trương Thị Minh Thơ và luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (cùng bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân gửi tiền tại VNCB) đã đồng loạt gửi kiến nghị đến Hội đồng xét xử (HĐXX), trong đó đặc biệt là kiến nghị làm rõ tài liệu có dấu hiệu bị làm giả.

Các cá nhân gồm Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang gửi tiền tại VNCB trên 6 sổ tiết kiệm, tổng giá trị 303,5 tỷ đồng. Các sổ tiết kiệm này đã bị VNCB tự ý dùng để cho vay 300 tỷ đồng mà không có hồ sơ vay, không có bất cứ chứng từ, chữ ký nào của chủ sở hữu sổ tiết kiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đưa ra một tài liệu được cho là bản fax hồ sơ vay vốn của Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi tới VNCB, Nguyễn Thị Mỹ Dung khẳng định không hề ký, không hề gửi bất cứ bản fax nào cho VNCB. Đại diện VKS yêu cầu Nguyễn Thị Mỹ Dung xác nhận số fax trên tài liệu được đưa ra có phải là của Cty Tân Hiệp Phát hay không?

Sau khi làm rõ, đại diện VKS công bố kết quả xác minh số fax trên tài liệu trên là của Cty Tân Hiệp Phát, VKS sẽ sử dụng tình tiết này để tranh luận.

Về bản fax này, theo luật sư Trương Thị Minh Thơ, tài liệu được cho là bản fax trên đã được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm và luật sư đã khẳng định tài liệu này có dấu hiệu ngụy tạo, làm giả, đề nghị điều tra làm rõ, cho đến nay, chưa có bất cứ kết quả điều tra nào về tài liệu này, kể cả tại phiên tòa phúc thẩm đang diễn ra.

Luật sư Thơ đã đề nghị HĐXX xác định: “Tài liệu được cho là bản fax này ở đâu ra, do ai cung cấp, là bản gốc hay bản sao, nếu là bản sao chụp, thì bản chính ở đâu, ai đang giữ; nếu là bản gốc thì căn cứ nào để xác định đây là bản fax còn nguyên gốc; nếu không có bản chính, không có bản được coi là bản fax gốc, thì có gì đảm bảo tài liệu được cho là bản fax đã xuất hiện tại tòa trên không bị ngụy tạo, không bị cắt dán, làm giả?”.

“Nếu chỉ dừng lại ở số fax trên tài liệu là của ai, mà không điều tra, làm rõ đến cùng nguồn gốc, tính chân thực, sự phù hợp của tài liệu và các nội dung khác, thì sẽ không đảm bảo được việc xác định sự thật khách quan của vụ án, có thể gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận”, Luật sư Thơ nhận định.

Bị cáo Phạm Công Danh.

Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên cũng đưa ra kiến nghị HĐXX duy trì quan điểm giới hạn phạm vi của phiên tòa phúc thẩm theo luật định và đã công bố. Trong trường hợp HĐXX quyết định xem xét các vấn đề ngoài phạm vi đã công bố, để đảm bảo công bằng, thì cho luật sư Uyên được trở lại xét hỏi những nội dung mà phiên tòa sáng hôm qua (ngày 4/1 - PV) đã không được hỏi do chấp hành sự điều hành của HĐXX, vì cùng một nội dung này, thì đại diện VKS và các luật sư của các bị cáo thì có được hỏi, còn luật sư Uyên thì chưa được hỏi.

Cũng trong diễn biến phiên tòa ngày 5/1, khi xét hỏi Phạm Công Danh và nhóm bị cáo liên quan tới khoản vay của các Công ty Tập đoàn Thiên Thanh gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng, thì các bị cáo được nhờ đứng tên làm giám đốc 12 Công ty đều là bảo vệ, rửa xe, lái xe... được “nhờ” đứng tên giúp, họ không điều hành hoạt động sản xuất, mà chỉ ký hồ sơ “ma” để vay hàng trăm tỷ mà họ đều không hay biết. Trước HĐXX, các bị cáo đều xin được giảm nhẹ hình phạt so với mức án sơ thẩm đã tuyên.

Tại toà nhiều bị cáo xin giảm mức án so với phiên toà sơ thẩm đã tuyên.

Những người này hoặc là đã có công việc khác hoặc là có người quen ở Tập đoàn Thiên Thanh, người là đồng hương của bị cáo Phạm Công Danh nên khi được nhờ làm giám đốc đều vui vẻ nhận lời để được hưởng mức lương lên đến 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có những người biết có công việc “giám đốc bù nhìn” tại Tập đoàn Thiên Thanh nên nhờ người quen giới thiệu vào làm giám đốc, những người này được nhận lương từ 5 - 10 triệu đồng nhưng cũng có người làm 6 tháng không nhận được đồng nào từ tập đoàn.

Trả lời trước HĐXX, các bị cáo khai nhận, được làm giám đốc công ty con trong Tập đoàn Thiên Thanh, họ cũng không rõ thời gian ký nhận tiền vay từ ngân hàng VNCB, chỉ biết "sếp" đưa hồ sơ thì ký nhận và chờ đến tháng nhận lương.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn