Phiên tòa phúc thẩm đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng (NH) Xây dựng - VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng đã đi vào phần nghị án sau hơn 15 ngày xét xử. Một số điểm mới trong phiên tòa này trước ngày HĐXX dự định tuyên án 24/1.
Bị đề nghị không giảm án nhưng vẫn cám ơn VKS
Điểm đầu tiên, tại phiên tòa phúc thẩm này, công tố viên đã đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo xin giảm án của 25 bị cáo. Bởi thủ đoạn của các bị cáo rất tinh vi, gây thất thoát cho VNCB 9.000 tỷ đồng, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng.
Án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với các bị cáo, vì vậy cần giữ nguyên hình phạt như ở cấp sơ thẩm.
Thu hồi thêm nhiều khoản tiền
Điểm mới thứ hai là công tố viên đề nghị HĐXX tuyên thu hồi thêm những khoản tiền để khắc phục hậu quả so với án sơ thẩm. Cụ thể, VKS đề nghị cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Danh về trách nhiệm bồi thường và xử lý vật chứng; sửa một phần bản án theo hướng thu hồi số tiền từ bị cáo Danh chuyển cho Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích, Hứa Thị Phấn, giao cho VNCB thu hồi để đảm bảo lại các khoản vay.
Có lẽ vì vậy mà khi nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh đã không ngần ngại bày tỏ những lời này: “Bị cáo cảm ơn đại diện VKS đã đề nghị truy thu 100% tài sản để khắc phục hậu quả và hiện tại đã khắc phục được 72% hậu quả… Bị cáo cảm ơn các luật sư đã giúp đỡ mình nhằm tìm ra sự thật”.
Trước đề nghị cấm xuất cảnh, bà Trần Ngọc Bích nói: “Tôi sẽ ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình”. |
Truy tới cùng trách nhiệm người liên quan
Điểm mới thứ ba tại phiên phúc thẩm là VKS đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của ba người. Đó là cha con ông Trần Quí Thanh - Trần Ngọc Bích và ông Trần Trọng Nghĩa. Theo VKS, ba người này có hành vi giúp sức cho Danh với vai trò đồng phạm trong việc cố ý làm trái, gây thiệt hại 5.190 tỷ đồng cho VNCB.
Theo VKS, bà Bích và ông Thanh biết rõ mục đích của bị cáo Danh nhưng vẫn chỉ đạo những người liên quan gửi tiền và vay tiền tại NH. Hành vi của họ đã giúp sức tích cực cho Danh đạt được mục đích rút 5.190 tỷ đồng của VNCB thông qua các hình thức hợp đồng cho vay giả tạo, gây thiệt hại khoản tiền trên. Việc xác định vai trò đồng phạm giúp sức của ông Thanh, bà Bích phù hợp với việc xác định hành vi giúp sức của Phạm Thùy Trang (Trang “phố núi”) đã được tòa sơ thẩm khởi tố.
VKS khẳng định khởi tố Phạm Thị Trang là có căn cứ nhưng tòa sơ thẩm chưa xem xét vai trò của khách hàng liên quan hành vi này là bỏ lọt người phạm tội.
Cạnh đó, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND tối cao khi điều tra vụ án ở giai đoạn 2 và các vụ án đã được cấp sơ thẩm khởi tố, cần tiếp tục làm rõ 405 tỷ đồng mà Bích đã nhận để truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét hành vi trốn thuế. Cần làm rõ số tiền mà Thanh và Bích đã nhận khi cho Danh vay hơn 16.000 tỷ đồng nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét xử lý hành vi trốn thuế theo quy định pháp luật.
Đồng thời, viện cũng đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với những người cấp sơ thẩm đã khởi tố và những người viện đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự nói trên.
Tòa khởi tố vụ án, công an khởi tố bị can
Trong thời gian diễn ra phiên tòa phúc thẩm, tối 10/1, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 9 người nguyên thuộc nhóm hội đồng tín dụng NH Đại Tín (thuộc nhóm cổ đông Phú Mỹ của NH này). Trong số những người này có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, nguyên Tổng giám đốc NH Đại Tín.
Những người này bị khởi tố do liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái… Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm của những người này.
Tòa cho rằng ông Toàn và các thành viên khác trong hội đồng tín dụng NH Đại Tín đã tham gia duyệt, cấp tín dụng hai hồ sơ vay của Công ty Đại Hoàng Phương, Công ty Thịnh Quốc là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho VNCB là gần 471 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt tạm giam, ông Toàn và ông Nam vẫn được áp giải đến tòa để trình bày bảo vệ quyền lợi của mình với tư cách là người liên quan.
Theo Pháp Luật TP.HCM