Sự việc được anh Doãn Giang (ở Hà Nội) phản ánh đến Zing.vn ngày 8/2. Theo người đàn ông này, 2 ngày trước, vợ anh rút tiền tại cây ATM của ngân hàng Vietinbank ở gần công viên Hòa Bình, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
“Sau khi rút xong 3 triệu đồng, vợ tôi chỉ lấy biên lai, thẻ vẫn trong máy nhưng đã bỏ đi nên bị đôi nam nữ đến sau rút hết 21,5 triệu trong tài khoản. Do không đăng ký dịch vụ SMS Banking nên vợ tôi chỉ biết mất tiền khi truy cập tài khoản”, anh Giang kể.
Đôi nam nữ bị cho là đã rút tiền trong thẻ ATM của vợ anh Giang. Ảnh cắt từ clip. |
Vẫn theo người đàn ông này, sau đó, vợ chồng anh đã đến ngân hàng Vietinbank trình báo. “Hai ngày sau, họ hẹn đến xem camera và không giúp đỡ gì thêm. Chúng tôi đã quay lại video ghi hình đôi nam nữ rút tiền hôm đó”, anh Giang nói và khẳng định theo nhật ký giao dịch, hai người xuất hiện trong clip đã chiếm giữ trái phép tài sản. Họ đứng chờ bên ngoài khi vợ anh Giang rút tiền.
Chiều cùng ngày, anh Giang đã trình báo sự việc đến công an phường sở tại.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện ngân hàng Vietinbank cho biết nhà băng đã tiếp nhận thông tin và cung cấp clip cho gia đình anh Giang. Sự việc cũng được phía ngân hàng chủ động báo cơ quan công an để làm rõ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng người rút tiền trong thẻ ATM do người khác bỏ quên có dấu hiệu phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản, quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Thơm, khách hàng bị mất tiền có thể gửi đơn tố cáo về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản đến cơ quan công an nơi đặt cây ATM. Cơ quan công an sẽ phối hợp với ngân hàng xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Còn ngân hàng là nơi quản lý tài khoản, căn cứ vào quyền được bảo đảm an toàn tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung giao dịch, được cung cấp tài liệu liên quan đến giao dịch và các quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người mất tiền có thể yêu cầu Vietinbank hỗ trợ xác minh vụ việc, cung cấp thông tin và hợp tác với cơ quan chức năng để bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều 141: Tội Chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù 1-5 năm.
Theo Zing