Những kẻ lừa đảo nói khoảng phải nộp là lệ phí để nhận thưởng và yêu cầu nạn nhân mua thẻ cào nhắn mã số card vào số điện thoại của họ. Các cơ quan chức năng nhiều lần thông báo thủ đoạn lừa đảo này, song vẫn còn nhiều người nhẹ dạ cả tin để phải “tiền mất, nợ mang”.
Một trong số nạn nhân là bà Đặng Thị Loan (58 tuổi, trú tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) sống một mình, làm nghề tráng bánh, thuật lại câu chuyện của bản thân.
Chiều 21/2, trong lúc đang ngồi tráng bánh tại nhà, bà nhận cuộc điện thoại từ số máy 0868476372 của một người đàn ông nói giọng Bắc, với nội dung: Công ty Viettel vừa mở thưởng bằng hình thức quay số trúng thưởng và số điện thoại của bà trùng với số đã quay; giải thưởng có giá trị 245 triệu đồng.
Để được lãnh thưởng, bà phải nộp 3 triệu đồng bằng mã thẻ cào Viettel làm lệ phí. Mừng vì được “của trời cho”, bà Loan bỏ công việc, vội chạy đi mua đủ số tiền trên rồi đọc từng mã số cho người đàn ông đó.
Số thẻ cào bà Loan mua nộp. |
Thấy con mồi đã “sập bẫy”, ngay sau đó, người đàn ông này tiếp tục điện thoại yêu cầu bà Loan photo giấy CMND, sáng hôm sau phải đem 5 triệu đồng tiền mặt và mua thêm 5 triệu đồng tiền card lên công viên tuổi thơ ở thị trấn Phù Mỹ đưa cho đối tượng thì sẽ được làm thủ tục nhận thưởng.
Do không có tiền, trong đêm bà Loan lặn lội đến nhà hàng xóm hỏi mượn đủ số tiền trên và về nhà nằm trằn trọc không ngủ, mong cho trời mau sáng để đi nhận thưởng. Như đã hẹn, sáng 22/2, bà lên các tiệm điện thoại ở thị trấn Phù Mỹ mua đủ 5 triệu đồng tiền card rồi đến một góc công viên ngồi cào, chờ đối tượng đến.
Chờ lâu không thấy ai, bà điện thoại hỏi thì người đàn ông này bảo đang ở Phú Yên, yêu cầu bà đọc mã số card để nộp tiền còn số tiền mặt thì mang về để lúc khác đến nhà nhận. Người này còn yêu cầu bà hủy số thuê bao của bà đang dùng, mua sim khác để liên lạc.
Lúc này, một số người đi ngang qua thấy bà Loan đang cào rất nhiều thẻ liền đến hỏi, bà kể lại sự việc như trên. Họ giải thích và cho biết bà đã bị lừa.
Bà Loan cho biết thêm, sau khi nghe thông báo trúng thưởng số tiền trên, bà gọi báo tin cho các con bà đang làm ăn ở xa. Mặc dù các con ngăn cản nhưng bà vẫn âm thầm làm theo, nếu số tiền trúng thưởng là có thật thì bà đem về chia cho mỗi đứa con một ít để làm ăn.
Với thủ đoạn tương tự, cuối năm 2016, chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, trú xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) cũng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng.
Hiện nay, tình trạng lợi dụng các nhà mạng điện thoại để lừa thông báo trúng thưởng rất phổ biến, các chiêu lừa là nhắn tin hay gọi điện vào các số thuê bao khác để lừa những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Do đó, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa, đặc biệt là những thông tin trúng thưởng qua điện thoại hoặc qua mạng Internet.
Theo Công An TP.HCM