Khi phóng viên đề nghị chia sẻ về khó khăn trong nghề, tiến sĩ, giám định viên cao cấp Nguyễn Quốc Hải, Đội trưởng Đội giám định Pháp y - Sinh học (Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội), bảo ông nói sẽ không hết chuyện.
Trầm ngâm một lúc, rồi ông cũng chia sẻ thông qua một ví dụ. "Cậu thử hình dung, một người ngồi trong phòng kín, ngửi mùi thuốc lá đã khó chịu rồi, đằng này chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với xác chết lâu ngày, mùi tử thi thối không thể thở nổi. Anh em không bản lĩnh, yêu ngành, yêu nghề thì chắc bỏ cuộc lâu rồi", vị bác sĩ có gần 30 năm tuổi nghề trải lòng.
Trong đội giám định Pháp y - Sinh học, đại úy, bác sĩ Ngô Thanh Tâm là người có thâm niên. Từng mổ nhiều tử thi để tìm ra nguyên nhân chết, vị bác sĩ có dáng cao lớn, chất giọng khàn bảo “chẳng vụ nào giống vụ nào”.
Nhớ lại vụ mổ xác nam giới nổi ở sông Hồng - đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng (Hà Nội), hôm 14/2 vừa qua - anh kể 23h30, tổ của anh mới nhận lệnh lên đường, xuất phát từ đại bản doanh 54 Trần Hưng Đạo.
Tới gần hiện trường ở thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, tổ công tác phải “cuốc bộ” hơn 3km đường ven sông trong điều kiện trời tối, xung quanh lau sậy cao quá đầu. “Cây cối um tùm, anh em cứ đạp lên mà đi, người sau giẫm gót theo người trước”, anh Tâm nhớ lại.
Đồ nghề làm việc của các bác sĩ pháp y. Ảnh: Quang Anh. |
Tới khu vực có thi thể nam giới đang phân hủy mạnh, bác sĩ Tâm cùng đồng đội dùng đèn để soi tìm dấu vết thương tích nhưng không phát hiện bất thường. Sau hơn một giờ đụng dao kéo, anh Tâm nhận định thanh niên 20 tuổi chết do ngạt nước. Từ giả thiết này, công an địa phương tổ chức thông báo truy tìm tung tích nạn nhân và xác định được người nhà thanh niên xấu số. Họ cho biết con em mình gặp nạn trong đêm trung tuần tháng 1, khi đứng trên tàu cát đi vệ sinh. Do bất cẩn, thanh niên rơi xuống sông và đến nay mới tìm thấy xác.
Lần đầu nghe bác sĩ pháp y kể chuyện nghề, có thể nhiều người cảm nhận công việc họ làm từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc thật chóng vánh. Nhưng hỏi ra mới biết, việc của bác sĩ nơi đây khác xa với những đồng nghiệp làm trong phòng mổ, với e-kíp hùng hậu và nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ. “Tử thi chết lâu ngày chương phình, chân tay cứng, khuỳnh khoàng, xoay chuyển thôi đã khó. Khi đặt xác lên bạt để pháp y nó trơn trượt như mỡ, khó làm”, đại úy Tâm kể.
Nhớ lại lần mổ tử thi chết trôi sông năm 2016 trên địa bàn huyện Mê Linh, đại úy, giám định viên pháp y kể khi anh em vừa vớt thi thể lên bạt để pháp y thì gặp cơn giông ập tới. “Đang khám nghiệm bỏ dở sao được, mọi người hò nhau làm để xong sớm", bác sĩ Tâm nhớ lại.
Đang mổ tử thi, cơn gió lớn xuất hiện thổi bay chiếc bạt đang để xác người. Nước tử thi chảy trong bạt theo gió văng tung tóe, bắn lên người lực lượng làm nhiệm vụ.
“Tưởng tượng mùi chuột chết kinh thế nào, đây còn là nước tử thi lâu ngày, khủng khiếp luôn. Gặp phải những việc thế này, không bản lĩnh, không yêu nghề thì bỏ việc lâu rồi”, đại úy công an chia sẻ.
Chỉ vào 2 sĩ quan cấp dưới tóc ướt sũng, vừa mở cửa phòng chạy vụt vào trong, bác sĩ Hải bảo đó là tốp anh em vừa đi khám nghiệm về chạy vào buồng tắm. Với đặc thù công việc, vị đội trưởng nói các giám định viên đôi khi phải tiếp xúc với những người chết nhiễm HIV, hay viêm gan B,C.
“Hiện trường không làm kỹ thì sót dấu vết, mà làm cẩn thận thì phải ngâm mình trong môi trường ô nhiễm, bệnh tật. Không những mình chịu ô nhiễm mà có thể làm ô nhiễm cả cho người khác, nên đi làm về anh em phải tắm ngay tại cơ quan, thậm chí tắm 2-3 lần mới dám về nhà”, vị bác sĩ bộc bạch.
Luôn có mặt ở các điểm nóng bất kể ngày đêm, luôn được tuyên dương sau mỗi chiến công phá án, nhưng đặc thù công việc khiến nghề giám định viên pháp y vẫn thầm lặng, ít được mọi người biết đến lâu nay.
Bác sĩ pháp y được ví là những người vén các bức màn bí mật phía sau mỗi vụ án. Ảnh:Quang Anh. |
Trong lực lượng của mình, họ chẳng thể “nổi” như cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông hay cảnh sát cơ động. Còn với ngành y, họ khó được nhiều người biết tới như những thầy thuốc ngoại khoa, đa khoa... hay các bác sĩ phòng mổ khác. Thế nhưng công việc của họ góp phần quan trọng vén các bức màn bí mật phía sau mỗi vụ án, giải đáp hoài nghi cho biết bao gia đình.
Tìm hiểu công việc của Đội Giám định Pháp y - Sinh học (Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội), mới thấy trọng trách, phần việc họ đang gánh vác thật lớn: hơn 1.000 vụ việc cần pháp y mỗi năm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hải, chức năng nhiệm vụ của đội là ứng dụng các công nghệ khoa học để làm giám định. “Tất cả những người chết không tự nhiên thì anh em tôi phải vào cuộc kết luận nguyên nhân”, bác sĩ pháp y giàu kinh nghiệm chia sẻ.
Không chỉ giải mã tử thi liên quan đến các vụ án, hàng ngày, giám định viên pháp y cũng bạc tóc để nghiên cứu, kết luận nguyên nhân những vụ chết liên quan đến bệnh lý. Dẫn chứng một trường hợp người mắc bệnh lý tim chết lâu ngày mới được phát hiện, tử thi thối, nội tạng hoại tử, máu hỏng không thể làm các xét nghiệm... bác sĩ Hải đặt câu hỏi: Người bị bệnh tim nhưng nội tạng hỏng cả, giám định viên bám vào đâu để kết luận nguyên nhân?
Ông dừng câu chuyện trong ít giây cho mọi người suy nghĩ, rồi bảo những vụ việc khó như vậy giám định viên phải vận dụng “cả kho tàng về kiến thức y khoa, sinh học và kỹ thuật hình sự” mới có thể kết luận được nguyên nhân. “Giám định pháp y không thể chủ quan, mọi kết luận, trả lời phải dựa trên cơ sở tổng hợp khoa học và dấu vết hiện trường”, bác sĩ pháp y tham gia khám phá vụ thẩm mỹ viện Cát Tường nói.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, tiến sĩ Hải bảo đặc thù công việc khiến ông và đồng đội thường xuyên phải xa nhà bất kể giờ giấc. Tết nào may mắn không có án thì anh em trong đội cũng phải tập trung đón giao thừa ở đơn vị theo mệnh lệnh, không được ở bên gia đình.
Ông cười bảo, bản thân từng vài lần ngỏ ý xin cấp trên được chuyển công tác nhưng chưa được đồng ý.
Theo Zing