Nhiều đại biểu cho ý kiến, tranh luận sôi nổi tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội, về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vào chiều 16/6.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua email điện tử, điện thoại, fax… bên cạnh hai hình thức truyền thống là bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Theo đại biểu Hùng, điều này là cần thiết trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay. “Thực tế, tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại chúng ta vẫn tìm ra được nguồn gốc nội dung”, ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng nếu không chấp nhận hình thức tố cáo qua các phương tiện thông tin phổ biến hiện nay như fax, email điện tử, điện thoại, mạng thông tin điện tử… thì nguồn tin nhận được không đầy đủ, kịp thời, số cán bộ công chức vi phạm pháp luật bị xử lý không đầy đủ.
"Dự thảo luật cần đưa ra được quy trình, thủ tục riêng biệt, tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo", bà Nguyên nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn(đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi.vn. |
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) ủng hộ áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này, đó là biểu hiện của một nhà nước văn minh, tiên tiến nhưng thực tế không quản lý hết được tên miền, số điện thoại và hộp thư điện tử.
“Chỉ trong vòng 2 phút thôi đã tạo ra được một hộp thư email điện tử, tạo ra thông tin tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước, sau đó không tìm ra được người tố cáo đó là ai. Vì vậy, chúng ta không có cơ sở để xác định được nội dung tố cáo đó có thật hay không để xử lý”, đại biểu Sơn nói.
Tranh luận lại ý kiến ông Sơn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phân tích hai hình thức tố cáo, bằng đơn và tố cáo trực tiếp là để làm rõ thời gian, địa điểm, nội dung. Những hình thức khác nếu đáp ứng được yêu cầu nên giải quyết, tại sao chúng ta lại hạn chế quyền tố cáo của công dân.
“Các đại biểu nêu ra là dùng sim điện thoại rác, email rác. Nhưng email, người tố cáo ghi rõ nội dung, tên, địa chỉ, có thể xác định rõ tôi là ai thì tại sao lại hạn chế? Phải chăng chúng ta còn có tư tưởng không quản được thì cấm?”, ông Hồng nhấn mạnh.
“Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh còn kêu cứu lên Chính phủ. Việc các cá nhân tố cáo bị uy hiếp do cơ chế bảo vệ chưa đầy đủ. Thứ hai tâm lý của người Việt ngại va chạm, ngay trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội”, ông Hồng nói và cho rằng nên chấp nhận giải quyết tố cáo nặc danh với một trình tự, giám sát để chống việc nặc danh vu khống.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu tranh luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi. |
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) khẳng định việc trù dập người tố cáo là chuyện có thật.
“Trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh. Đây là câu chuyện có thật mà thực sự chỉ những người trong cuộc mới biết là bị trả thù. Những người bị trả thù vẫn phải tươi cười nhưng trong lòng đầy đắng chát”, ông nêu vì lý do đó, người tố cáo không dám đứng đơn khi tố cáo.
Theo vị đại biểu này, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là để góp phần vào xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, nếu “vin” vào lý do nặc danh để không xem xét thì không nên.
Tiếp thu giải trình làm rõ, Tổng Thanh tranh Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết trên cơ sở ý kiến của đại biểu và báo cáo thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cân nhắc, chọn lọc chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.
Qua ý kiến thảo luận hôm nay, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền, dự án luật có thể mở rộng thêm 2 hình thức: Thư điện tử có ký tên, chữ ký điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết theo luật tố cáo.
"Các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung rõ ràng thì cũng được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo", ông Sáu nêu.
Theo Zing