Tiền lệ rất xấu
Ngày 19/6, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ luật hình sự) xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đối với ông Vũ Đình Duy (nguyên Tổng Giám đốc PVTEX).
Chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng đây là hoạt động bình thường của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Theo ông Xuyền, sau khi vào cuộc điều tra và thấy có đầy đủ dấu hiệu phạm tội đối với ông Vũ Đình Duy, cơ quan Công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trên cơ sở khởi tố bị can, Bộ Công an mới làm các thủ tục theo quy định của luật pháp để tiến hành các hoạt động truy nã, bắt giữ đối tượng.
ĐBQH vẫn băn khoăn khi ông Vũ Đình Duy bị khởi tố. |
Nhắc lại trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị khởi tố sau khi đã bỏ trốn ra nước ngoài, ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhận định, công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có vấn đề và cần phải làm chặt chẽ hơn.
“Trước khi những người này đi ra nước ngoài thì vụ án chưa được khởi tố. Các yếu tố liên quan đến hạn chế quyền xuất cảnh cũng chưa được quy định cụ thể. Do đó khi ông Duy hay ông Thanh làm đầy đủ các thủ tục, giấy tờ thì phải cho phép họ xuất cảnh ra nước ngoài.
Sau này khi cơ quan Công an phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc này phải đúng trình tự chứ không thể làm tắt và làm khác được. Khởi tố vội vàng sau này oan sai thì trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm về mặt tố tụng ai sẽ chịu trách nhiệm?
Có điều, bây giờ hiện tượng đó quá nhiều. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác như Trung Quốc tình trạng bị can, bị cáo chạy ra nước ngoài cũng khá nhiều nên việc quản lý cán bộ phải làm chặt chẽ hơn”, ông Xuyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Chương, ĐBQH TP.HCM cũng cho rằng việc khởi tố ông Vũ Đình Duy là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Công an.
"Công an quản lý và việc này thuộc về nội bộ ngành Công an. Ai có tội thì cơ quan Công an phải xử lý theo quy định. Nếu ông Duy có đi đâu đó thì tôi nghĩ cũng không thể trốn mãi được",ông Chương nói.
Về phần mình, từ sự việc trên, bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội khóa XIII đề nghị phải xem lại vấn quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề quản lý con người khi các đối tượng vi phạm thường xuyên bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo bà An, khi Vũ Đình Duy hay Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài, các cơ quan khó xử lý tận gốc các vấn đề xảy ra ở lĩnh vực, cơ quan đó. Hơn nữa, việc này nếu để kéo dài sẽ tạo thành một tiền lệ rất xấu về sau.
“Không thể nào để tình trạng cứ sai phạm là bỏ trốn. Đây là vấn đề quản lý con người. Chúng ta phải xem lại trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Việc phân cấp quản lý nhà nước đã quy định rất rõ ràng.
Ai là người quản lý trực tiếp phải có trách nhiệm trực tiếp, chứ không thể để cán bộ khi có sai phạm là bỏ trốn và cuối cùng không thể xử lý được”, bà An nhấn mạnh.
Phải truy trách nhiệm người đứng đầu
Để hạn chế những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng các cơ quan chức năng, nhất là Công an, Thanh tra, các đơn vị trong diện thanh tra cần phải rà soát và quản lý chặt chẽ hơn nữa việc xuất nhập cảnh đối với cán bộ, công chức, viên chức, kể cả doanh nghiệp nhà nước.
“Việc hạn chế xuất cảnh hoặc cấm xuất cảnh đối với một công dân nào đó thì cần phải có lý do chính đáng. Tôi cho rằng các cơ quan chủ quan phải quản lý được cán bộ và xử lý được ngay trong nội bộ để hạn chế tình trạng bỏ trốn đi nước ngoài khi có hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra các cơ quan nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh các quan hệ về ngoại giao, tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, phối hợp với cảnh sát quốc tế để truy nã, bắt giữ tội phạm.
Trung Quốc đã làm tốt việc này và bắt giữ nhiều cán bộ bỏ trốn ở nước ngoài về để xử lý”, ông Xuyền nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Bùi Thị An khẳng định, chỉ có quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp để xảy ra tình trạng cán bộ bỏ trốn đi nước ngoài thì mới mong có sự chuyển biến.
“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Anh để chuyện thất thoát tài sản hay thất thoát con người thì phải chịu trách nhiệm.
Anh buông lỏng quản lý thì phải chịu trách nhiệm, phải truy trách nhiệm đến cùng. Làm được như vậy thì các cán bộ sẽ sợ và có trách nhiệm hơn với công việc được giao”, bà An nêu quan điểm.
Theo Đất Việt