Cuộc cạnh tranh giữa GrabBike và xe ôm truyền thống ngày càng đẫm máu

Thứ tư, 21/06/2017, 11:01
Theo đại diện GrabBike Việt Nam, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung. Điểm nóng ở phía Nam là các bến xe An Sương, Miền Đông, Miền Tây, sân bay.

Chiều 20/6, Zing.vn ghi được cảnh xe ôm truyền thống đuổi và đe dọa tài xế GrabBike trước cổng bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Khi thấy tài xế xe ôm truyền thống đe dọa, đòi đánh, anh chàng GrabBike bỏ đi. Thế nhưng, người đàn ông trung niên này vẫn đuổi theo, đòi đánh tài xế GrabBike. Sự việc diễn ra vào giờ tan tầm, thu hút nhiều sự chú ý của nhiều người đi đường.

Đại diện của công ty xe ôm công nghệ cho biết khi GrabBike mới xuất hiện ở Sài Gòn, xe ôm truyền thống chỉ chửi bới khi chạm mặt. Nhưng bạo lực ngày càng leo thang, nhiều tài xế xe ôm công nghệ bị chém thương tích, thậm chí bị dọa giết.

Bị đâm thủng phổi

Cộng đồng GrabBike vẫn chưa quên vụ anh Lương Quốc Thiện (30 tuổi) bị xe ôm truyền thống dùng tuốc nơ vít đâm thủng phổi tại giao lộ Đào Duy Từ - Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào tối 11/3. Một ngày sau, Công an quận 10, TP.HCM, tạm giữ 3 nghi phạm để điều tra.

Tuy nhiên, theo anh Thiện, phải đến 30 ngày sau, công an mới mời anh lên lấy lời khai, dù tài xế GrabBike đã 2 lần đến cơ quan điều tra xin cung cấp thông tin và yêu cầu được đưa đi giám định thương tật.

Sự việc bắt đầu vào tối 11/3, Thiện được khách yêu cầu đến đón ở đường Nguyễn Tri Phương (phường 5). Khi tới nơi, Thiện lấy điện thoại ra gọi khách thì bị tài xế xe ôm truyền thống đến gây hấn.

Anh Thiện nằm điều trị sau khi bị chém thủng phổi. Anh: NNCC.

Không muốn va chạm, anh Thiện chạy xe đến góc đường Đào Duy Từ - Nguyễn Tri Phương để xem tin nhắn. Tuy nhiên, xe ôm kéo theo một nhóm người cầm dao lao vào đâm, khiến Thiện gục ngã.

Cánh xe ôm truyền thống chỉ dừng tay khi một số người đi đường tới can ngăn và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau đó, ba người tình nghi có liên quan đến vụ án bị công an tạm giữ để điều tra.

Bị chém đứt tay và dọa giết

Không lâu sau, vào tối 29/5,  tài xế GrabBike Trần Hưng Tiến (29 tuổi, ở quận 6) đang chờ đón khách ở bến xe Miền Tây thì bị một tài xế xe ôm truyền thống tới hành hung, phải vào bệnh viện cấp cứu. Công an phường An Lạc A (quận Bình Tân) đã tạm giữ nghi phạm.

Tiến kể, khi anh đang cùng nhiều GrabBike khác đón khách trên đường Kinh Dương Vương, thì bất ngờ bị một thanh niên cầm mã tấu đến gần hù dọa. Nhóm tài xế GrabBike tản ra, nhiều người xung quanh bỏ chạy tán loạn. Thanh niên cầm hung khí xông đến tấn công, chém vào tay Tiến.

Gây án xong, kẻ lạ mặt cầm hung khí bỏ đi. Nạn nhân đến bệnh viện băng bó vết thương.

Anh Tiến bị chém vào tay khi đón khách ở bến xe miền Tây. Ảnh: CTV.

Không chỉ bị đâm, bị chém, cánh tài xế GrabBike thường xuyên bị đe dọa mất mạng nếu đến các khu vực xe ôm truyền thống đón khách.

Trong cuộc mâu thuẫn giữa tài xế xe ôm truyền thống và GrabBike trước bến xe Miền Đông mà chúng tôi ghi nhận vào chiều 20/6, gã đàn ông áo sơ mi ca rô màu đỏ liên tục đòi đánh, đòi đoạt mạng anh tài xế xe ôm công nghệ nếu còn đến khu vực này. "Không chỉ bị dọa đánh những tài xế xe ôm còn hùng hổ dọa giết tụi em", Tuấn (25 tuổi), tài xế GrabBike lo lắng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết các đối tác (tức tài xế) khi tham gia Grab đều phải qua các bước kiểm tra chặt chẽ. Sau khi hoàn tất hồ sơ, GrabBike phải tham gia khóa học quy tắc ứng xử, cung cách phục vụ khách hàng.

Grab cũng truyền thông nội bộ, không kích động nhóm, không sử dụng bạo lực trong mọi tình huống. Tài xế Grab phải là những người hiểu và tuân thủ luật pháp, luôn hướng đến sự thân thiện, văn minh khi di chuyển. Các đối tác cố ý vi phạm, sẽ bị nhắc nhở, tạm khóa tài khoản...theo quy định của công ty.

Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đã tuyên truyền mọi người dân phải chấp hành pháp luật về an ninh trật tự.

Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Khánh Trung.

Luật pháp đã quy định không được đánh nhau, xâm phạm đến thân thể của người khác. Dù là tài xế GrabBike hay truyền thống, họ đánh nhau, gây mất an ninh trật tự tới đâu công an sẽ xử lý tới đó.

Theo ông Thắng, về mặt quản lý nhà nước, đơn vị cấp phép phải tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

Theo Zing

Các tin cũ hơn