Phúc thẩm Giang Kim Đạt: Còn tham nhũng ở thương vụ mua 5 tàu khác?

Thứ năm, 17/08/2017, 16:31
Các bị cáo được xác định chiếm đoạt khoảng 260 tỷ đồng qua hợp đồng mua 3 tàu, cho thuê 9 tàu. Tòa án xác định các bị cáo liên quan trong việc mua 5 con tàu khác nên đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm Giang Kim Đạt và đồng phạm.

Sáng 17/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

HĐXX gồm 3 thẩm phán, trong đó thẩm phán cao cấp Nguyễn Văn Sơn giữ vai trò chủ tọa. Đại diện cơ quan công tố là hai kiểm sát viên cao cấp Phạm Minh Yến và Vũ Minh Đức.

Tại tòa, nhiều phóng viên cơ quan báo chí làm thủ tục tác nghiệp nhưng bị thư ký tòa án từ chối, yêu cầu không được chụp ảnh, quay phim hay ghi âm.

Các bị cáo Trần Văn Liêm (SN 1955) - cựu TGĐ Vinashinlines, Giang Kim Đạt (SN 1977) – cựu Quyền Trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines bị tòa sở thẩm kết án tử hình về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh, Trần Văn Khương  (SN 1950) - cựu kế toán trưởng Vinashinlines nhận án tù chung thân.

Bị cáo Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt bị quy tội rửa tiền, lĩnh 12 năm tù. Tại tòa phúc thẩm hôm nay, ông Hiển vắng mặt vì lý do sức khỏe và đang tại ngoại ở TP.HCM.

Theo bản án sơ thẩm, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương đã thông qua công ty môi giới để thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty thuê tàu lấy tiền hoa hồng; hoặc "gửi giá" vào hợp đồng mua bán 3 tàu, hợp đồng cho thuê 9 tàu của Vinashinlines, để tiền ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines nhằm chiếm đoạt khoảng 260 tỷ đồng.

Ngoài ra, tòa cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo còn liên quan thương vụ mua 5 tàu khác nên kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý sai phạm nếu có.

Sau phần khai mạc, chủ tọa tiến hành cách ly, xét hỏi các bị cáo. Giang Kim Đạt trả lời đầu tiên và giữ nguyên kháng cáo, cho rằng tiền các Cty nước ngoài chuyển về tài khoản ngoại tệ của bố mình là tiền công.

“Các Cty môi giới bán tàu trả cho tôi… Tôi làm dịch vụ hàng hải như thu xếp cho tàu biển vào cảng sớm hơn họ cũng phải trả tiền… Tiền mua nhà ở Singapore và Anh là tiền của tôi có lúc làm việc ở Singapore” – Đạt trả lời HĐXX.

Tuy nhiên, khi tòa hỏi lý do Đạt bỏ trốn ra nước ngoài, bị cáo này cho rằng vì mình có ký nháy vào hợp đồng mua tàu Hoa Sen (vụ án đã xét xử, Đạt được đình chỉ điều tra – PV).

Chủ tọa lật lại, tại sao chỉ ký nháy mà phải bỏ trốn, lần xét xử này mới có 3 tàu, còn 5 con tàu khác đang điều tra thì nên thành khẩn khai báo. Đáp lại, Đạt im lặng, không trả lời...

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn