|
Đại diện PVN cho rằng hành vi chi lãi ngoài đã được phi hình sự hóa. |
Tội phạm đã được loại bỏ?
Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Thái bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết với tư cách là nguyên đơn dân sự, PVN không quy kết cá nhân hay tổ chức nào phạm tội mà Bộ luật hình sự (BLHS) quy định.
Tuy nhiên, ông Thái đề nghị trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào phạm tội gây thiệt hại cho PVN thì đề nghị tòa căn cứ điều 42 BLHS và điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên buộc cá nhân, tổ chức đó phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người bảo vệ cho PVN cũng mong tòa khi đưa ra phán quyết phải loại bỏ các thuật ngữ mang hàm ý PVN nhận chi lãi ngoài từ OceaBank hoặc tiếp nhận chi từ cá nhân, pháp nhân của OceanBank.
“Hoàn toàn PVN không nhận hoặc không chi lãi ngoài… Vì vậy, đề nghị HĐXX không sử dụng ngôn từ thể hiện PVN nhận lãi ngoài để tránh dư luận hiểu lệch lạc, ảnh hưởng uy tín, quyền lợi ích hợp pháp của PVN”.
Tiếp đó, ông Hoàng Văn Dũng – người đại diện của PVN xin bổ sung thêm: “Theo điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự thì chúng tôi không có quyền đưa ý kiến về số phận pháp lý của các bị cáo…. Mong tòa lưu tâm nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015. Trong đó (BLHS 2015 – PV), hành vi cố ý làm trái đã được loại bỏ nên mong tòa xem xét các quy định của luật 2015 và nghị quyết 41 đã phi hình sự hóa hành vi của các bị cáo, tức loại bỏ rồi. Mong tòa thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước”.
Cũng tại tòa, đại diện Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn từ chối tranh luận hoặc đưa ra ý kiến. Tương tự, đại diện Liên doanh dầu khí Vietsovpetro cho biết các lãnh đạo của tập đoàn đang tiếp Phó Thủ tướng Nga sang thăm nên không thể có mặt nhưng Vietsovpetro cũng không có ý kiến gì.
|
Đại diện Vietsovpetro tại tòa. |
Đòi bình đẳng giữa các cổ đông
Sau đó, đại diện Cty TNHH VNT – đơn vị từng nắm 20% cổ phần của OceanBank nêu ý kiến của mình. Vị này cho biết không có ý kiến việc chi lãi ngoài vì mục đích của nó là huy động vốn, tạo lợi nhuận cho ngân hàng.
PNT cho rằng, trong số tiền chi chăm sóc khách hàng có 246 tỷ đồng chi qua Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch PVN và bị tham ô 20% (49 tỷ đồng) của PVN; còn lại 197 tỷ đồng là của các cổ đông khác. Thiệt hại trong vụ án không thể là của OceaBank cũ hay mới (sau khi bị mua 0 đồng – PV) mà là của các cổ đông. “Ngân hàng bị mua 0 đồng thì mặc nhiên chúng tôi mất vốn” – vị này nói.
Vì vậy, đại diện PNT cho rằng: “Việc OceanBank đòi tiền là không công bằng, chúng tôi đề nghị công bằng trong phán quyết của tòa. Các cá nhân tổ chức nếu chiếm đoạt phải bồi thường cho chúng tôi, nếu là chi lãi ngoài thì các cá nhân nhận lãi ngoài phải trả”.
Tương tự, đại diện Cty CP tập đoàn Đại dương cũng từng sở hữu 20% vốn tại OceanBank cho rằng PVN sở hữu 20% vốn như mình và được triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng sau được thay đổi tư cách thành nguyên đơn dân sự.
Người đại diện tập đoàn Đại Dương đề nghị: “Chúng tôi đề nghị xem xét, trước khi mua 0 đồng chúng tôi cũng sở hữu 20% mà PVN được thay đổi tư cách thì nếu phát sinh bồi thường thiệt hại cũng phải xem xét bồi thường cho chúng tôi như các cổ đông khác của OceanBank”.
Vị này phân tích: “Chúng tôi hiểu VKSND có quan điểm từ năm 2011 – 2014, ông Sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ từ OceanBank trong đó tham ô 49 tỷ của PVN còn lại 197 tỷ chiếm đoạt. Vì vậy, nếu HĐXX có quan điểm Sơn chiếm đoạt tiền của PVN thì chúng tôi xin mạn phép được tính như VKSND, lấy tỷ lệ vốn góp nhân với tiền chiếm đoạt”.
Cũng tại tòa, đại diện Cty Khách sạn Đại Dương cho biết đơn vị mình được Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank sáng lập, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước kể cả khi ông Thắm đã bị bắt. Vị này nói: “Chúng tôi mong tòa xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho anh Hà Văn Thắm”.
Theo Tiền Phong