Xét xử lưu động tạo sự bất bình đẳng

Thứ hai, 13/11/2017, 09:22
Nhiều ý kiến cho rằng ngành tòa án nên bỏ hẳn việc xét xử lưu động. Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (TAND tỉnh Bình Phước) có góc nhìn riêng của mình về chủ đề này.    

Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tòa án đã được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, Luật Tổ chức TAND 2014. Bằng hoạt động của mình, tòa án góp phần giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Thông qua công tác xét xử tại trụ sở, tòa án lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân.

Trên thực tế, tòa án thường lựa chọn những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân. Cạnh đó, một số tiêu chí để lựa chọn kèm theo như bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội; những vụ án là tâm điểm thời sự, có ít người được triệu tập, áp giải, dẫn giải thuận lợi…

Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, trình độ dân trí thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã đa dạng hơn. Nhiều vụ án từ quá trình điều tra đã được báo chí phản ánh dày đặc.

Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật có thể bằng các cách thức khác như tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật; thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân…

Hàng nghìn người dân đến xem một phiên tòa xử lưu động tại tỉnh Bình Phước.

Theo tôi, cần phát huy những phương pháp này để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đảm bảo tuân thủ đầy đủ nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự của nhà nước pháp quyền, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội.

Xét xử lưu động các vụ án hình sự hiện nay thực tế đã tạo ra sự bất bình đẳng trong việc xét xử và tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, đặc biệt việc xét xử lưu động có thể xúc phạm đến nhân phẩm của bị cáo nói riêng và con người nói chung. Do đó, việc cần phải mạnh dạn bỏ luôn việc xét xử lưu động của tòa án là có căn cứ, phù hợp và đúng đắn.

Chọn thẩm phán giỏi xử lưu động

Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về việc xét xử lưu động nhưng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 thì có quy định TAND các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân.

Cạnh đó, Nghị quyết 37/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án năm 2013 có đặt ra yêu cầu đối với ngành tòa án là tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động.

Hiện nay, việc xét xử lưu động được xem là tiêu chí để được cộng điểm thưởng trong các kỳ thi đua hàng năm. Quyết định 83/2016 của TAND Tối cao về việc ban hành bảng chấm điểm thi đua áp dụng đối với các TAND quy định điểm thưởng trong việc tổ chức các phiên tòa lưu động tính tất cả các loại án là 2 điểm/phiên tòa. Để đạt hạng A (hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thi đua) thì các đơn vị đạt từ 1.000 điểm trở lên đối với TAND cấp tỉnh; từ 950 điểm trở lên đối với cấp huyện...

Theo tôi, quy định cộng điểm thi đua này đã và sẽ khiến các tòa chạy theo thành tích mà bỏ quên trách nhiệm “lựa chọn các vụ án thích hợp…”. Do đó, cần phải bỏ ngay quy định chỉ tiêu về việc xét xử án lưu động. Thay vào đó, TAND Tối cao phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động.

Nếu quy định xét xử lưu động là một hoạt động xét xử thường xuyên của tòa án thì phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Các tòa phải đưa những thẩm phán giỏi nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, đặt những câu hỏi và xử lý tốt, phù hợp, kịp thời các tình huống phát sinh ngoài dự kiến trước những phức tạp có thể gặp của phiên tòa lưu động.

Ông Vũ Viết Năng, nguyên Chánh án TAND huyện Hải Hậu, Nam Định

Cần tôn trọng quyền con người

Bản án dư luận dành cho người bị xét xử lưu động bao giờ cũng nặng nề hơn án phạt của tòa. Mặt khác, thực tiễn xét xử cho thấy mức án dành cho người bị xét xử lưu động bao giờ cũng nặng nề hơn so với mức án của người có cùng tính chất, mức độ và hành vi phạm tội nhưng được xét xử ở trụ sở tòa án.

Như vậy là không công bằng. Nhiều người đến xem tòa xử vì tò mò và muốn biết mặt mũi tên tội phạm ra sao. Còn người thân của người phạm tội thì chỉ biết cúi mặt trước những gièm pha của đám đông.

Theo tôi, cần bỏ hẳn việc xét xử lưu động để đảm bảo các nguyên tắc như tôn trọng quyền con người, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa…

Luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM

Công khai bản án là tuyên truyền pháp luật

Cùng với việc xét xử công khai tại trụ sở tòa thì việc công khai các bản án, quyết định của tòa (đã mã hóa tên nhân vật) vừa tuyên truyền được pháp luật mà còn bảo vệ được quyền con người. Tòa án không nên xét xử lưu động, càng không nên lấy đó làm thành tích như hiện nay.

Luật sư Mai Văn Thông, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo Pháp Luật TP.HCM

Các tin cũ hơn