"Cát cứ" nơi đậu ôtô có thu phí

Thứ hai, 05/11/2018, 10:05
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM được triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ôtô bị các cá nhân chiếm dụng và sẵn sàng đuổi khi có xe tới đậu, với lý do cản mặt bằng làm ăn buôn bán!

Sau 2 tháng triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ôtô ở TP.HCM, PV ghi nhận tình trạng “cát cứ” ở những tuyến đường này.

“Chỗ làm ăn, đâu có đậu được”!

Sáng 24.10, chúng tôi lái ôtô đến định đậu vào vạch chia ô trước một cửa hàng trên đường Trần Bình Trọng (Q.5), thì bảo vệ ở đây liền chạy ra hướng dẫn. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi không vô cửa hàng mà chỉ đậu xe thì anh ta yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác, không cho đậu xe. Tương tự, khi xe chúng tôi tới đậu vào ô vạch trên đường phía trước nhiều cửa hàng khác ở đường Trần Bình Trọng cũng bị bảo vệ, nhân viên yêu cầu đi chỗ khác, tránh mặt tiền buôn bán của họ.

Ôtô đậu kín hai bên đường An Dương Vương (Q.5), đậu lộn xộn chèn ô vạch để dán keo, thay phụ tùng hàng giờ

Lòng đường có tổ chức thu phí đậu xe bị chiếm dụng nhiều nhất là đường An Dương Vương (Q.5). Hai bên đường này đều được kẻ vạch, chia ô, cắm bảng tổ chức thu phí từ 6 - 0 giờ. Tuy nhiên, nhân viên của các cửa hàng trên đường này (bán phụ kiện ôtô, dán keo xe…) hễ thấy ôtô đi chậm mở đèn xi nhan là lao ra đường để bắt khách, mời mọc. Nhưng khi biết chủ xe không vào cửa hàng thì lập tức họ yêu cầu lái xe đi chỗ khác.

Khoảng 14 giờ ngày 27.10, chúng tôi vừa cho xe đậu vào ô kẻ trước cửa hàng ôtô Q.M (đường An Dương Vương, Q.5), thì hai nhân viên ở đây chạy ra gõ cửa hỏi. Khi biết chúng tôi chỉ đậu xe trả phí thì họ kiên quyết đuổi đi. “Chỗ này tụi em không cho đậu xe, mặt bằng làm ăn buôn bán mà!”, nhân viên này nói. “Nguyên con đường này mặt bằng người ta làm ăn, thuê mỗi tháng mấy chục triệu”, một nhân viên khác bồi thêm.

Bảo vệ nhà hàng H.Y (đường Ngô Đức Kế, Q.1) “xin tiền” đậu xe của khách trên đoạn đường tổ chức thu phí

Xe chúng tôi tiếp tục di chuyển tới trước một cửa hàng bán phụ kiện ôtô gần đó thì có 3 nhân viên lao ra săn đón rất nhiệt tình, và cũng đuổi đi khi biết chúng tôi chỉ đậu xe trả phí. Thậm chí, xe đậu vào ô vạch trước cửa hàng số 349 An Dương Vương thì một phụ nữ bán gánh trái cây phía trước cửa hàng cũng chạy ra đuổi không cho đậu. Trên tuyến đường này, hầu như lúc nào cũng có ôtô đậu kín để dán keo, sửa chữa, thay phụ tùng. Đáng nói là ôtô đậu hàng giờ để sửa chữa nhưng không hề thấy có nhân viên thu phí hay quản lý nào ở khu vực này.

Nhân viên một cửa hàng sửa chữa và buôn bán phụ kiện ôtô trên đường An Dương Vương (Q.5) tràn ra chiếm khu vực đậu xe có thu phí để bắt khách

Buông lỏng quản lý

Nhiều ngày liền ghi nhận trên các tuyến đường có tổ chức thu phí, chúng tôi thấy tình trạng buông lỏng quản lý việc đậu xe. Trên các tuyến đường như: Trần Bình Trọng, An Dương Vương, Tản Đà (Q.5), Lê Hồng Phong (Q.10), Huyền Trân Công Chúa (Q.1), Cao Thắng (Q.10)… tình trạng ôtô đậu đỗ vô cùng lộn xộn, cán lên vạch kẻ chia ô. Tại đường Lê Hồng Phong (Q.10), nhiều ô vạch để đậu xe bị các xe đẩy chở rác chiếm dụng. Đường An Dương Vương (đoạn đối diện chợ An Đông, Q.5), một số cơ sở còn dùng cọc có chân đế bê tông và ghế đặt xuống đường nhằm chiếm chỗ cho xe vào mua hàng hóa đậu.

Còn trên đường Cao Thắng (đoạn từ Ba Tháng Hai đến Hoàng Dư Khương, Q.10), không hề thấy nhân viên thu phí. Nhân viên của nhà hàng, quán ăn thì rất nhiệt tình hướng dẫn khách đậu xe kín hết làn đường thu phí, một số điểm khác thì đặt vật cản như ghế, cột báo hiệu không cho ôtô dừng, đậu trước cửa.

Đáng lưu ý, trên nhiều tuyến đường, chúng tôi lái ôtô đến đậu rất lâu nhưng chưa sử dụng ứng dụng My Parking để thanh toán tiền thì cũng không thấy lực lượng chức năng đến hướng dẫn hay nhắc nhở.

Một số nơi, nhân viên bảo vệ các hàng quán vẫn quen thói “xin tiền” đậu xe của khách. Khoảng 10 giờ 40 ngày 24.10, chúng tôi lái xe đến đậu đối diện nhà hàng H.Y trên đường Ngô Đức Kế (Q.1, nơi tổ chức thu phí đậu xe lòng đường). Một bảo vệ của nhà hàng đến hướng dẫn cho xe đậu vào ô vạch và nói “cứ đậu đi, hồi ra bồi dưỡng cho ba chục (ba mươi ngàn đồng - PV) uống cà phê”. Chúng tôi hỏi “Ở đây đậu xe có thu phí không?” thì bảo vệ nói: “Thu qua app, nhưng cứ đậu đó đi, không sao đâu”.

Trưa 27.10, chúng tôi quay lại đây đậu xe. Khi lái đi thì bảo vệ chạy tới, kêu: “Cho mấy đồng uống nước” rồi nhận tiền của khách cho vào túi. Điều đáng nói, nơi này trước đây từng bị người dân phản ánh bảo vệ thu tiền đậu xe. Từ phản ánh, Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải đã có công văn gửi các ban ngành và địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý. Thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên.

Còn tại một tuyến đường có tổ chức thu phí ở Q.1, nhân viên thu phí sau khi hướng dẫn PV cài ứng dụng My Parking và cách thanh toán tiền thì nói: “Nếu xài sim Viettel thì có thể trừ tiền luôn trong sim, còn sử dụng tài khoản ViettelPay thì trừ trong tài khoản. Còn xài VinaPhone thì hiện chưa được”.

Thu phí chỉ đạt 2%

Trả lời PV ngày 1.11, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay sau 2 tháng thí điểm tổ chức thu phí đậu xe lòng đường, UBND TP có cuộc họp để nghe Sở GTVT và các bên liên quan, đặc biệt là UBND quận 1, 3, 5 cùng Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) báo cáo.

Ông Lâm thừa nhận sau 2 tháng áp dụng, lượng người sử dụng công nghệ thu phí thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Theo tính toán trước đây mỗi ngày sẽ thu về 400 triệu đồng nhưng khi triển khai thực tế doanh số đạt được rất thấp, chỉ khoảng 7,2 triệu đồng/ngày (đạt khoảng 2% so với dự kiến).

Ông Lâm lý giải số thu thấp có nhiều nguyên nhân: Trước đây chỉ mất chừng 5.000 đồng đậu xe nguyên ngày, còn giờ thu 20.000 đồng/giờ nên nhiều người ngại đỗ. Ngoài ra do quá mới nên việc triển khai cho lực lượng trật tự ở quận, huyện chưa được nhuần nhuyễn và địa phương cũng chưa bố trí đủ thời gian túc trực mà chủ yếu làm ở giờ hành chính.

Một hạn chế nữa của công nghệ thu phí đỗ xe tự động là phần lớn người dân thích nhắn tin chứ chưa sử dụng app nhiều. Trong khi chương trình chỉ áp dụng với nhà mạng Viettel và Vietnam Mobile mà chưa có với nhà mạng MobiFone, VinaPhone nên hạn chế người dùng.

Ông Lâm cho biết trong tháng 11, Sở GTVT sẽ triển khai thêm cho người dùng mạng MobiFone, VinaPhone. Sở GTVT cũng lắp đặt 263 camera trên 23 tuyến đường sẽ truyền về cho cơ quan chức năng, quận huyện giám sát. Sắp tới lực lượng dự kiến chủ trì thu phí sẽ là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Ngoài ra, Sở GTVT cũng phối hợp triển khai cơ chế xử lý nhanh, phạt nguội.

“Sau khi triển khai thu phí thì 23 tuyến đường thông thoáng hơn vì đã gián tiếp hạn chế giao thông cá nhân”, ông Lâm nói và cho biết sẽ kiểm tra thông tin "cát cứ", không cho đậu xe ở những tuyến đường cho phép thu phí tự động.

Theo ông Lâm, khi đậu vào khu vực kẻ ô mà không đóng phí thì chủ tịch quận huyện, phường xã, công chức thuế, lực lượng quản lý về thuế phí có thể xử phạt. Để làm được điều này thì vai trò phối hợp rất quan trọng, nhất là ở quận huyện, phường xã.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn