Nguyễn Văn Dương khai việc bảo kê của cục trưởng C50

Thứ hai, 19/11/2018, 10:52
Khi Dương nói VTC Online bị một số cơ quan kiểm tra khi vận hành game bài, cục trưởng Hóa bảo"để tao gọi điện".

Sáng 19/11 tại TAND tỉnh Phú Thọ, trong câu hỏi đầu tiên với Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC), chủ tọa nói: "Bị cáo thấy tội danh bị truy tố có đúng không?". Dương nói tôn trọng việc bị truy tố tội: Đánh bạc và Rửa tiền. Dương xưng "tôi" và bị chủ tọa nhắc lại hãy trả lời đúng hay không, chứ không phải tôn trọng hay không. Dương lập tức đáp: Có.

Trong thỏa thuận với VTC Online, Dương xác nhận CNC có trách nhiệm xin cấp giấy phép cho game Rikvip và xây dựng cổng thanh toán thẻ. Việc này, trước khi vụ án được phá, Dương đã và đang thực hiện.

"Đầu 2016 bị cáo mới xin cấp phép, trong khi hệ thống game đã vận hành từ tháng 4/2015?", chủ tọa hỏi. Dương không trả lời thẳng mà nói đã đề nghị lãnh đạo C50 và Tổng cục Cảnh sát hỗ trợ xin cấp phép để game được hoạt động thí điểm.

"Ngoài cục trưởng Hóa, bị cáo còn nói với ai ở Bộ Công an về việc hợp tác không?", chủ tọa thẩm vấn. Dương nói vì là công ty nghiệp vụ nên chỉ nói với một số lãnh đạo.

Nguyễn Văn Dương khai tại tòa trong sáng 19/11.

Dương khai trong khi vận hành hệ thống game bài, CNC không bị đơn vị nào kiểm tra, còn với VTC thì "không rõ". Dẫn lời khai của Nam về việc có một số đơn vị đến kiểm tra và Dương nói sẽ giải quyết, chủ tọa hỏi: Bị cáo có nhờ ai can thiệp về việc kiểm tra với VTC online không? "Thưa không", Dương đáp ngay.

"Bị cáo có gọi điện cho ai không?", chủ tọa tiếp tục truy vấn. Dương nói chậm, cho rằng do thời gian quá lâu nên không nhớ.

Chủ tọa đọc lời khai của Dương ở cơ quan điều tra về việc có gọi điện cho Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa. Nghe xong, Dương mím môi, đứng im lặng rồi nói: "Có lẽ thời gian lâu không nhớ, nhưng những gì tôi khai đúng sự thật".

Chủ tọa tiếp cục công bố lời khai về vấn đề này, theo đó khi đề xuất xin cấp phép thí điểm hoạt động game bài nhưng không thấy C50 phản hồi, Dương khai đã gọi điện cho ông Hóa nói về việc VTC bị kiểm tra. Lời khai của Dương thể hiện ông Hóa nói "để tao gọi điện" và sau đó VTC Online không bị kiểm tra nữa.

Dương thừa nhận chưa được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép nhưng hệ thông game bài vẫn hoạt động. Với lý do CNC công ty nghiệp vụ của công an nên Dương trong thời gian này vừa vận hành vừa xin cấp phép hoạt động thí điểm, tuy nhiên vẫn chưa được đồng ý.

"Ai là người yêu cầu tạm dừng game bài Rikvip vào tháng 8/2016?". chủ tọa hỏi. Dương nói đó là đề xuất của C50 với lý do "nhạy cảm, lộ bí mật". Dương cho dừng một tháng rồi vận hành lại.

Nguyễn Văn Dương khai được tuyển vào ngành công an

Giải thích về lý do hợp tác với C50, Dương cho rằng các lãnh đạo C50 muốn xâm nhập vào cộng đồng mạng hoạt động game. Và thông qua hệ thống game bài Rikvip, CNC "hóa trang" vào hoạt động tội phạm này để tham mưu cho lãnh đạo có biện pháp xử lý.

Dương khai C50 tuyển dụng bị cáo vào ngành công an theo chủ trương đã được phê duyệt nhằm để lãnh đạo công ty CNC hoạt động nghiệp vụ. "Bị cáo thấy vinh dự được cống hiến trong ngành công an", Dương nói.

Trả lời câu hỏi luật sư nói có tính chất "riêng tư", Dương khai: Không có tài khoản game, cũng không biết chơi. Nội dung này giống với Phan Sào Nam đã khai vào ngày 17/11.

Nguyễn Văn Dương giấu tiền ở đâu?

Tiếp tục trình bày, Dương khai "không có ý kiến" với tội Đánh bạc song với tội Rửa tiền thì rất ngỡ ngàng. Lúc phạm tội, bị cáo không nhận thức đó là rửa tiền.

Dương khai với tư cách nhà đầu tư mình đã có "đóng góp cho đất nước", trong đó phải kể đến dự án BOT Bắc Giang. Dương lập Công ty UDIC từ năm 2010 tiền thân là Công ty xây dựng phát triển hạ tầng đô thị.

Dương trình bày không sử dụng nguồn tiền từ doanh thu game đánh bạc vào công ty này nhưng không chứng minh được một số nguồn tiền đầu tư vào dự án BOT Bắc Giang và vào UDIC.

Sau những truy hỏi của chủ tọa, Dương mới nhận có dùng nguồn tiền hơn 20 tỷ đồng hưởng lợi từ game đánh bạc để đầu tư vào công ty riêng của mình.

"Bị cáo không chứng minh tiền tổ chức đánh bạc để ở đâu? Bị cáo cũng không chứng minh tiền đầu tư vào UDIC ở đâu? Trong khi kế toán của bị cáo đều khai đã nộp tiền vào UDIC cho bị cáo", công tố viên hỏi và cùng lúc công bố số liệu trên màn hình lớn. Dương im lặng một lúc rồi nói vẫn giữ lời khai, "do tôi không chứng minh được nên tôn trọng VKS".

VKS cho hay, cả quá trình vận hành game Dương được hưởng lời bất chính hơn 1.700 tỷ đồng. Đến nay, bị cáo khắc phục được hơn 240 tỷ đồng. Dương xác nhận.

VKS cho rằng số tiền thu hồi trên, nếu so với hơn 300 tỷ đã được chứng minh Dương có hành vi rửa tiền thì chỉ chiếm trên 70%. Nhưng so với tiền hưởng lời hơn 1.700 tỷ đồng lại chỉ chiếm hơn 10%. "Vậy bị cáo để tiền ở đâu?", VKS truy vấn.

Dương trình bày: Trong chiến lược phát triển công ty 10 năm về giải pháp công nghệ để phòng chống tội phạm công nghệ cao, chúng tôi hợp tác với nhiều đơn vị nước ngoài, đang chuẩn bị nhập về. Nhưng để đảm bảo bí mật, tôi cũng chỉ có lời khai nhất định.

"Bị cáo còn khoản nào để truy thu khắc phục hậu quả cho chính mình không?", VKS tiếp tục hỏi. Dương khai công ty có nhiều chi phí, gia đình cũng giúp khắc phục, giờ ở trong trại giam đã hơn một năm nên không còn cơ hội để khắc phục nữa. "Khi bị điều tra, tôi cũng đã đề xuất nếu cho bị cáo được tại ngoại sẽ đi thu hồi các khoản đầu tư nhưng không được chấp nhận".

Theo VNE

Các tin cũ hơn