Đề nghị truy tố bị can vụ tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định

Thứ năm, 14/03/2019, 13:26
CQĐT xác định giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát đã làm giả nhãn mác và hồ sơ máy của 15 máy tàu, dẫn tới hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng, nằm bờ.

Liên quan đến việc hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân tại Bình Định bị hỏng hóc, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Lê Hoàng Phong (giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Gia Phát) về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ông Lê Hoàng Phong trong một cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định về vấn đề tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Làm giả nhãn mác, hồ sơ máy

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2015-2016, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, trụ sở tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã ký hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014 cho 23 chủ tàu, gồm 20 tàu tại Bình Định, một tàu tại Quảng Ngãi, một tàu tại Quảng Ninh và một tàu tại Thanh Hóa.

Để thực hiện hợp đồng trên, Công ty Nam Triệu đã mua máy động cơ từ nhiều nhà cung cấp. Trong đó, từ tháng 5-2015 đến tháng 3-2016, ông Đặng Ngọc Oanh (Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu) ký năm hợp đồng mua từ Lê Hoàng Phong 13 máy tàu hiệu Mitsubishi, hai máy hiệu Cummins KTA19 và 21 máy phát điện với tổng trị giá hơn 43 tỉ đồng.

Lê Hoàng Phong yêu cầu Nguyễn Ngọc Phú (nhân viên làm thời vụ) tìm người làm giả các mẫu hồ sơ máy như tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng... sau đó bàn giao cho Công ty Nam Triệu.

Kết quả điều tra xác định Phong đã làm giả hồ sơ máy của 15 động cơ, trong đó làm giả nhãn mác của 13 máy tàu hiệu Mitsubishi. Từ việc làm này, Phong thu lời bất chính số tiền gần 2 tỉ đồng.

Về động cơ, mục đích của việc làm giả, bị can Phong khai rằng là do tìm kiếm tại thị trường Việt Nam không có các loại máy tàu đúng như hợp đồng với Công ty Nam Triệu, nếu nhập từ nước ngoài sẽ không đảm bảo thời gian giao hàng. Dưới sức ép phải thực hiện hợp đồng và có được lợi nhuận, Phong đã lợi dụng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực động cơ, tìm mua loại máy có công suất không đúng để cung cấp cho đối tác.

CQĐT khẳng định hành vi trên của bị can dẫn đến việc lắp đặt 12 động cơ Mitsubishi không đồng bộ lên 12 tàu cá, là nguyên nhân khiến Công ty Nam Triệu phải bỏ ra số tiền gần 7 tỉ đồng để lắp máy mới, bán máy cũ cho 12 tàu cá lắp động cơ từ Công ty Hoàng Gia Phát.

Từng khai nhận chi cả chục tỉ đồng để “tránh” tội

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, bị can Phong từng khai đưa cho ông Đặng Ngọc Oanh một số khoản tiền. Trong đó, đầu tháng 5-2015, trước khi thỏa thuận và ký hợp đồng cung cấp máy móc, Phong đã gặp và đưa cho ông Oanh 250 triệu đồng với lý do quà tặng đối tác để hợp tác làm ăn kinh doanh.

Quá trình thỏa thuận, ký kết hợp đồng, bị can thống nhất với ông Oanh nâng giá hợp đồng so với giá thực tế mua bán máy móc. Sau đó Phong chuyển cho ông Oanh gần 12,5 tỉ đồng tiền chênh lệch. Trong đó có hơn 7 tỉ đồng Phong đưa trực tiếp cho ông Oanh thành nhiều lần, tại nhiều nơi.

Ngư dân Bình Định điêu đứng vì các tàu vỏ thép bị hỏng.

Đặc biệt, sau khi xảy ra sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng, Phong còn bốn lần đưa tiền cho ông Oanh với tổng cộng khoảng 15 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả và giúp mình không bị xử lý hình sự. Tất cả lần đưa tiền đều không có biên nhận, không có người chứng kiến.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị can lại thay đổi lời khai, khẳng định không thỏa thuận với ông Oanh nâng giá trị hợp đồng, Phong tự làm những việc trên là vì lợi nhuận.

Bị can tự phủ nhận lời khai trước đây về việc chuyển các khoản tiền cho ông Oanh. Bởi trước đây vì muốn lôi kéo ông Oanh là cán bộ công an cấp cao cùng vào sự việc để cơ quan chức năng cân nhắc không xử lý hình sự nên Phong đã khai không đúng về việc đưa cho ông Oanh các khoản tiền 250 triệu đồng và gần 12,5 tỉ đồng. Đồng thời, vì muốn chứng minh đã góp tiền khắc phục hậu quả để giảm nhẹ trách nhiệm bản thân, Phong đã khai đưa 15 tỉ đồng khắc phục sự cố cho ông Oanh.

Bị can sau đó thấy rằng việc khai sai sự thật như trên không giúp ích gì cho bản thân, đồng thời Phong cũng không thể lý giải về nguồn gốc các khoản tiền đã khai đưa cho ông Oanh, vì vậy bị can khai lại theo đúng sự thật.

Từ lời khai của Phong cùng quá trình xác minh, CQĐT kết luận không có căn cứ xác định ông Oanh nhận tiền từ bị can này.

Một loạt cá nhân thiếu trách nhiệm

Đáng lưu ý, ngoài đề nghị truy tố đối với Lê Hoàng Phong, CQĐT cũng cho rằng nhiều cá nhân khác có trách nhiệm liên quan khi để xảy ra vụ án nói trên.

Trong đó, ông Đặng Ngọc Oanh cùng một số lãnh đạo, nhân viên của Công ty Nam Triệu đã thiếu trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo cấp dưới trong việc mua bán hàng hóa với Công ty Hoàng Gia Phát dẫn tới sự cố; buông lỏng quản lý khi chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện công việc của xí nghiệp đóng tàu…

Ngoài ra, các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy trình về kiểm tra, giám sát dẫn đến không phát hiện được việc lắp động cơ chính không đồng bộ cũng như thay đổi nguyên vật liệu đóng tàu,…

CQĐT cho rằng các cá nhân trên có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận giám định của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cho thấy Công ty Nam Triệu ký kết năm hợp đồng mua bán với Công ty Hoàng Gia Phát là đúng quy định của pháp luật; Công ty Nam Triệu (sử dụng ngân sách) chưa bị thiệt hại.

“Do đó, hành vi này chưa cấu thành tội phạm nhưng cần có hình thức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật” - kết luận điều tra nhận định.

Theo PLO

Các tin cũ hơn