|
Tối 20/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, đơn vị vừa phối hợp với công an một số địa phương triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.
Bước đầu, cơ quan Công an xác định, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TP.HCM. Đường dây này do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, cấu kết với đối tượng người Lào, Việt Nam.
|
Công an khám xét nơi chứa ma túy. |
Thượng tá Ngô Thành Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, khoảng 13h35 ngày 20/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an TP.HCM, Cảnh sát ma túy Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Đoàn 3 - Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội biên Phòng, Đội 6 - Cục Phòng chống buôn lậu – Tổng cục hải quan đã khám phá thành công chuyên án trên.
|
Một trong số đối tượng trong đường dây ma túy bị bắt. |
Lực lượng chức năng đã bắt giữ 11 đối tượng, trong đó 8 đối tượng Trung Quốc, 3 người Việt Nam. Qua đồng loạt khám xét 5 điểm nghi vấn, là kho cất giấu ma túy tại TP.HCM và 2 điểm tại Đắk Nông, lực lượng chức năng thu giữ 300kg ma túy.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, qua hơn 2 tháng theo dõi, các trinh sát đã phát hiện nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự nghi vấn cung cấp ma túy với số lượng lớn cho các ‘đại lý’ các tỉnh thành phía Nam.
Đường dây này do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, với sự giúp sức tích cực từ các đối tượng trong nước.
|
Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra. |
Cụ thể, khi ma túy từ Lào đưa về Việt Nam vào nội địa thì các đối tượng cầm đầu sẽ giao cho người bản xứ vận chuyển để không bị phát hiện. Cũng như giao việc mở rộng địa bàn tiêu thụ số ma túy vận chuyển vào.
Qúa trình đeo bán, lực lượng trinh sát gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng là người gốc Trung Quốc nên gặp phải “rào cản” về mặt ngôn ngữ.
Ngoài ra, các đối tượng qua lại ở nhiều quốc gia. Bọn chúng tổ chức hoạt động khép kín và chỉ liên lạc với nhau bằng tín hiệu trong quá trình giao nhận hàng, khiến nhiều lần trinh sát phải tìm hiểu, giải mã. Các đối tượng đã lợi dụng quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại mà tuồn hàng “núp bóng” vào Việt Nam.
Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Theo Tiền Phong