Đình chỉ ông Lê Tấn Hùng chỉ là "một bước trong quy trình xử lý"

Thứ sáu, 14/06/2019, 09:10
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định động thái đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng “không phải là hình thức xử lý cuối cùng, mà chỉ là một bước trong quy trình xử lý”.

Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Như PV đã đưa tin, UBND TP.HCM quyết định đình chỉ chức vụ thành viên không chuyên trách HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) đối với ông Lê Tấn Hùng. Lý do ông Hùng bị đình chỉ công tác vì “đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng công ty”.

Cần phải có cơ quan công an vào cuộc

Trao đổi với PV chiều 13.6, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thông tin UBND TP có động thái đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng “không phải là hình thức xử lý cuối cùng, mà chỉ là một bước trong quy trình xử lý”. Theo ông Lắm, hiện hình thức kỷ luật ông Lê Tấn Hùng vẫn phải chờ họp hội đồng kỷ luật, chứ bản thân ông không thể trả lời được.

"Nếu có sai phạm, thất thoát cần phải có cơ quan công an vào cuộc, khởi tố vụ án".

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Trước đó, Sở Nội vụ có báo cáo UBND TP kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân có thiếu sót, sai phạm liên quan theo kết luận của Thanh tra TP.HCM tại SAGRI. Theo báo cáo, tổng cộng có 18 cá nhân tại SAGRI tham gia kiểm điểm 23 nội dung thiếu sót, sai phạm liên quan đến nhiều người, nhiều thời kỳ.
Tuy nhiên, trong số này chỉ có 3 cá nhân còn thời hiệu xử lý kỷ luật, gồm: ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch HĐTV; ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thanh An, kiểm soát viên chuyên trách. Hình thức kỷ luật tổng hợp mà Sở Nội vụ đề xuất là ông Dũng và ông Hùng “hạ bậc lương”; đối với bà An là “khiển trách”.
Về động thái đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng, đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng việc xử lý sai phạm, đình chỉ chức tổng giám đốc của ông Hùng tại SAGRI khiến dư luận lên tiếng cũng là điều dễ hiểu vì những sai phạm, thất thoát tại công ty này đã được kết luận trong một thời gian dài. “Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải làm sáng tỏ, quy trách nhiệm cho từng cá nhân cho chính xác. Nếu có sai phạm, thất thoát cần phải có cơ quan công an vào cuộc, khởi tố vụ án. Tinh thần phòng chống tham nhũng đã và đang được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước khẳng định, hiện lan tỏa rất mạnh mẽ từ T.Ư xuống địa phương”, ông Phùng Văn Hùng nói.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng SAGRI hay bất cứ công ty, lãnh đạo, cá nhân nào sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật. “Thực tế chúng ta chứng kiến những nhà lãnh đạo cao nhất, văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước cũng đã khẳng định tinh thần không có vùng cấm. Do đó trong vụ việc này, tôi mong TP.HCM, cũng như các cơ quan chức năng, cần đi đến cùng, làm sáng tỏ sai phạm, trách nhiệm của từng người. Có sai phạm, thất thoát thì phải khởi tố. Không ai có thể có vùng cấm, lãnh đạo cao nhất của Đảng đã khẳng định. Vấn đề chúng ta có đủ dũng khí, kỹ năng, nghiệp vụ để làm tới cùng hay không”, ông Dương Trung Quốc nói.

SAGRI đã gây thất thoát bao nhiêu?

Theo tìm hiểu của PV, qua thanh tra đã xác định các sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI bắt đầu từ 2004, kéo dài đến 2017, tập trung vào việc khoảng 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng... không đúng quy định pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát; quản lý tài chính (vay vốn ngân hàng nhưng lại mang nguồn tiền vay đó gửi lại ngân hàng dẫn đến phải bù lãi suất)...
Các sai phạm đó “dính” tới 18 lãnh đạo chủ chốt trong HĐTV, Ban tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng của SAGRI các thời kỳ liên quan. Đáng chú ý, riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng bị xác định có trách nhiệm trong các sai phạm về quản lý đất đai, tài chính và nghiêm trọng nhất là việc ông Hùng ký khống hợp đồng "du lịch nước ngoài" trị giá hơn 13 tỉ đồng (đã thanh lý và chi trả tiền, khi thanh tra mới phát hiện).
Hàng loạt dự án khác do SAGRI thực hiện có sai sót, đặc biệt là các dự án: khu sản xuất nông nghiệp Phạm Văn Cội; dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Phạm Văn Cội; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng (đều tại H.Củ Chi, TP.HCM)... SAGRI còn “qua mặt” UBND TP.HCM để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án đầu tư sử dụng đất công sản, điển hình là tại dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) diện tích hơn 89ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng...
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn