Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020 (NĐ 31) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013 (NĐ 115) về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 tới đây.
Đặt tiền sẽ được mang xe vi phạm về
Vẫn giống như hiện nay, NĐ 31 cho phép người vi phạm được mang xe về nhà trong hai trường hợp: Thứ nhất là có nơi đăng ký thường trú/tạm trú còn thời hạn hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức đang làm việc; thứ hai là đặt tiền bảo lãnh. Dù vậy, quy định mới đã cụ thể hơn về thủ tục, thời gian và cách thức giao phương tiện cho người vi phạm tự bảo quản.
Đối với trường hợp có đăng ký thường trú/tạm trú, người vi phạm phải làm đơn, thời hạn giải quyết không quá hai ngày. Nếu được đồng ý, người vi phạm mang xe về nhưng sẽ bị giữ lại giấy chứng nhận đăng ký xe để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Tương tự, với trường hợp đặt tiền bảo lãnh, người vi phạm cũng phải làm đơn để được xem xét. Nếu được đồng ý, người vi phạm nộp tiền trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không chấp hành thì số tiền đặt bảo lãnh sẽ bị khấu trừ để thi hành quyết định xử phạt. Phần tiền thừa còn lại được trả cho người vi phạm.
Cần lưu ý, với cả hai trường hợp nêu trên, người vi phạm sẽ không được phép sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông. Nếu vi phạm, phương tiện sẽ bị chuyển về nơi tạm giữ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong thời gian được giao giữ, nếu người vi phạm để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, thay thế, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, hậu quả do hành vi mà mình gây ra theo quy định.
Một bãi giữ xe vi phạm tại Hà Nội, với hàng trăm phương tiện chưa có người đến nhận. Ảnh: TRUNG PHẦN
Rút ngắn thời gian xử lý xe vi phạm
Một trong những nội dung rất đáng chú ý khác của NĐ 31, đó là việc rút ngắn thời gian xử lý đối với phương tiện vi phạm hành chính đã hết thời hạn tạm giữ.
Cụ thể, thay vì không quy định thời hạn như hiện nay, nghị định mới nêu rõ trong vòng ba ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm thì cơ quan công an phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Theo Bộ Công an, hiện toàn quốc đang tồn đọng hơn 136.000 phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được. Việc gia tăng những phương tiện này dẫn tới tình trạng quá tải; tạm giữ quá lâu cũng khiến nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không thể sử dụng… Bên cạnh đó, thủ tục tịch thu, bán đấu giá đối với phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu. Với sự rút ngắn thời gian chỉ còn 33 ngày thay vì nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm như trước đây, các thủ tục này sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn. |
Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được rút xuống từ ít nhất hai lần như quy định hiện hành chỉ còn một lần. Khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm, công an sẽ ra quyết định tịch thu phương tiện.
Theo một cán bộ CSGT Hà Nội, quy định mới sẽ là hành lang pháp lý rất tốt để góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm. Thứ nhất, với việc giao phương tiện cho người vi phạm bảo quản, NĐ 31 quy định cụ thể thời gian thực hiện trong bao nhiêu ngày, trình tự thực hiện ra sao (NĐ 115 không quy định), điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho cả người vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ. Thứ hai, với việc rút ngắn thời gian tịch thu phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không có người đến nhận, điều này là rất quan trọng. Theo NĐ 31 thì chỉ cần hơn một tháng, cơ quan công an có thể ra quyết định tịch thu, thay vì kéo dài như hiện nay. Với quy trình nhanh chóng như vậy, lượng xe vi phạm không có người nhận hoặc không xác định được người vi phạm đang tồn đọng trên địa bàn TP thời gian tới có thể được giải quyết rất nhiều.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang, cho biết đồng tình cao với NĐ 31. “Trước đây, tỉnh An Giang cũng đã có đề xuất giữ biển số xe thay vì giữ phương tiện vi phạm để hạn chế vấn đề tồn kho phương tiện quá hạn tạm giữ. Nay Chính phủ lại ban hành NĐ 31 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 115, quy định cụ thể hơn vấn đề đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Việc người dân được tự bảo quản phương tiện của mình thì sẽ yên tâm hơn và hạn chế tạm giữ phương tiện do vi phạm, cũng như tránh lãng phí lớn đối với tài sản xã hội và chi phí bảo quản” - ông Xuân nêu quan điểm.
Các trường hợp không giao phương tiện vi phạm tự bảo quản a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; b) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; c) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; d) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy. |
Theo PLO