>> “Kỳ án” thùng đô la cổ trị giá hơn 250 tỷ
>> Kỳ án huyệt trai trinh: 3 chàng trai lại vào tù
>> Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông: Chết lặng!
>> Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông: Có chạy án?
Vì sao những vụ án bị “chìm xuồng”?
Giữa lúc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Hàm Tân phức tạp với băng nhóm “Đồi hoa mai” lộng hành như vậy, Thiếu tá Hoàng Đình Loan lại thăng tiến “vù vù”.
Tháng 8/2002, Hoàng Đình Loan được thăng chức Phó công an huyện Hàm Tân phụ trách khối cảnh sát điều tra. Khi vụ chém người xảy ra tại quán cà phê ở xã Tân Nghĩa đã giao cho Đội CSĐT lúc Loan còn làm Đội trưởng không thấy động tĩnh gì, Trưởng công an huyện chỉ đạo Loan phải nhanh chóng khởi tố, điều tra vụ án.
Lúc này Loan lại viện cớ rằng, do chưa có quyết định bổ nhiệm nên không thể ký quyết định khởi tố vụ án. Khoảng 3 tháng sau (ngày 6/11/2002), Loan nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT công an huyện Hàm Tân. Quyền đã có nhưng không hiểu sao Hoàng Đình Loan lần lữa không ký quyết định khởi tố vụ án khiến dư luận bức xúc.
Mãi đến 6/2005 khi bộ Công an phối hợp với công an tỉnh Bình Thuận lập chuyên án triệt phá băng nhóm xã hội đen “Đồi hoa mai”, Hai Chi và đồng bọn bị bắt giam, thì vụ án này mới được phục hồi điều tra.
Ngày 29/6/2006, TAND tỉnh Bình Thuận đã đưa vụ án “Đồi hoa mai” ra xét xử và Thọ “đại tá” lãnh 12 năm tù, 6 tên còn lại lãnh tổng cộng 42 năm tù.
Một ví dụ khác, vào đêm 12/9/2001, anh Nguyễn Trung Đức và một số người bạn tới uống cà phê tại quán Phương Hiền ở thôn Nghĩa Hòa, xã Tân Nghĩa. Do tranh cãi về giá nước bị tính quá mắc anh Đức và nhóm bạn đã gây lộn với chủ quán.
Bà chủ quán đáo để này liền gọi chồng là Nguyễn Hữu Toàn đang ngủ dậy. Toàn cùng một đệ tử là Huỳnh Tấn Bạo dùng hung khí rượt đánh anh Đức và nhóm bạn chạy trối chết.
Anh Đức chậm chân, bị Toàn dùng sợi dây xích quất trúng mặt bị thương nặng, ngã xuống mương cách quán cà phê khoảng vài chục mét và chết ở đó. Mãi 2 ngày sau, người dân gần đó mới phát hiện và báo cho công an.
Chiều hôm đó, Hoàng Đình Loan đích thân tới chủ trì khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Cùng lúc đó, Toàn và Bạo tìm đến nhà Hai Chi nhờ anh Hai “giúp đỡ”.
Hai Chi đã chở Toàn và Bạo lên công an huyện tự thú và được đích thân Hoàng Đình Loan lấy lời khai, lập biên bản. Xong xuôi, Loan bảo Hai Chi gọi người nhà của Toàn và Bạo lên làm đơn bảo lãnh rồi thả cả hai về.
9 tháng sau mà vẫn không thấy điều tra vụ án, người nhà anh Đức đã làm đơn khiếu nại các cấp có thẩm quyền. Lúc này, Hoàng Đình Loan mới chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận. Tại đây, vụ việc được giao cho Thiếu tá Vương Đình Hợp thụ lý.
Một lần nữa vụ án lại có dấu hiệu “chìm xuống” vì 6 tháng sau, ông Hợp mới ghi được lời khai của một nhân chứng. Và rồi cũng giống như Thiếu tá Loan, ông Hợp chẳng buồn nghiên cứu hồ sơ, điều tra theo kiểu chiếu lệ và 2 năm sau, tháng 3/2003, Hợp mới có báo cáo kết thúc điều tra, đề xuất ra quyết định không khởi tố vụ an. Nghiêm trọng hơn, Hợp còn không gửi quyết định cho VKS và gia đình nạn nhân.
Năm 2005, khi băng nhóm Hai Chi bị triệt hạ, vụ án này mới được phục hồi điều tra. CQĐT đã khai quật mộ anh Đức, khám nghiệm tử thi để xác định thương tích do Nguyễn Hữu Toàn gây ra cho nạn nhân.
Và ngày 14/6/2006, TAND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt Nguyễn Hữu Toàn 5 năm tù, bồi thường cho gia đình nạn nhân 25 triệu đồng. Liên quan tới vụ án này, Thiếu tá Vương Đình Hợp bị kỷ luật tước quân tịch, khởi tố bị can vì hành vi thiếu trách nhiệm. Nhưng sau đó Hợp được CQĐT đề nghị miễn trách nhiệm hình sự vì xét thây năng lực Hợp còn hạn chế nên xảy ra thiếu sót…
Việc Hoàng Đình Loan “bảo kê” cho Hai Chi và băng tội phạm “Đồi hoa mai” đã quá rõ, nhưng ngày 29/10, TAND tỉnh Bình Thuận đưa Loan ra xét xử với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong 2 vụ án do Nguyễn Công Thọ (tức Thọ “đại tá”) và đồng bọn gây ra.
Tại phiên tòa, Loan khai báo quanh co, đổ trách nhiệm cho 2 điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án (một người đã chết do bệnh). Tuy Loan ra sức chối tội, nhưng sau khi nghị án, sáng 30/10, Tòa quyết định xử phạt Hoàng Đình Loan 4 năm tù giam.
Những tình tiết bí ẩn
Tại phiên tòa xét xử vụ án “Đồi hoa mai” ngày 3/10/2007 của TAND tỉnh Bình Thuận, Hai Chi bị truy tố về 3 tội cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích và đánh bạc với vai trò cầm đầu, chủ mưu.
Lê Thị Thu Hằng (vợ bé Hai Chi) bị truy tố về tội cướp tài sản, Hoàng Văn Sửu, một trong những đàn em thân cận, trợ thủ đắc lực nhất của Hai Chi, bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Hoàng Văn Sửu đã từng bị TAND Tỉnh Bình Thuận xử 11 năm tù trong một vụ án trước đây của băng nhóm “Đồi hoa mai”.
Kể từ khi băng nhóm “Đồi hoa mai” bị triệt hạ, đã có 20 bị cáo và 1 sĩ quan công an dính líu bị đưa ra xét xử, trong đó có 2 em ruột và con trai Hai Chi. Liên quan đến băng nhóm “Đồi hoa mai” còn có một vụ án khác CQĐT đã có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 5 người để tiếp tục điều tra, làm rõ vì có nhiều tình tiết phức tạp.
Đó là vụ án Hai Chi và đồng bọn đánh chết anh Huỳnh Văn Hòa tại quán cà phê Trúc Mai đêm 19/10/2002. Cùng với việc đưa Hai Chi và đồng bọn ra xét xử, CQĐT cũng đã kê biên 6 lô đất của Hai Chi với diện tích hơn 17.000 m² để đảm bảo thi hành án.
Riêng Bùi Dũng, một đàn em của Hai Chi bị xét xử tội đánh bạc, nhưng do Dũng đã thắt cổ chết trong trại giam nên VKSND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra. Việc mua bán gỗ lậu của Hai Chi và gia đình, CQĐT vẫn sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý sau.
Hai Chi tại phiên toà xét xử y và đồng bọn
Ra tòa, Hai Chi rất bình thản. Biết rõ mình đã làm gì và phải đối diện với mức phạt nào, Hai Chi và đàn em của hắn không nhờ luật sư bào chữa. Có tham dự phiên tòa, dư luận mới thấy hết bản chất dã man của “ông trùm” máu lạnh này.
Trong vụ Hoàng Văn Sửu chém anh Biên, Trưởng công an xã Tân Nghĩa trọng thương, Hai Chi bình thản khai nhận chính hắn đã lệnh cho Hoàng Văn Sửu đánh cảnh cáo anh Biên, nhưng sợ anh Biên có võ nên Hoàng Văn Sửu mới dùng rựa, chém từ phía sau cho chắc.
Còn vụ Ngô Văn Ký, một đàn em khác của Hai Chi đánh anh Ngộ gãy chân, Ký khai rằng, do áp lực của Hai Chi nên bị cáo mới nặng tay vì nếu không làm thế chính Hai Chi sẽ đánh Ký. Cuối cùng, Ký thừa nhận trước tòa rằng anh ta sợ ông trùm Hai Chi còn sợ hơn sợ… pháp luật.
Ngược lại, Hai Chi trả lời trước tòa lý do tại sao lại đánh anh Ngộ đến gãy chân chỉ vì một lý do nhỏ nhặt rằng: “Tại tụi này tới gây sự thì đánh cho chừa chứ có gì mà phải ồn ào”. Và Hai Chi cũng khẳng định: “Bản chất tôi là vậy!”.
Và đúng là như thế thật, ở vụ Hai Chi và vợ bé cướp xe Suzuki Viva của anh Phạm Văn Hậu và chị Phạm Thị Tuy, Hai Chi đã nhận hết tội lỗi về mình và cũng như luôn khẳng định vai trò chủ mưu, cầm đầu trong những vụ án khác do đàn em Hai Chi thực hiện.
Riêng vụ cướp sòng bạc ngày 15/11/2003 tại xã Nghĩa Tân thì Hai Chi cho rằng, hắn chỉ bọc lưỡi lê trong người để phòng thân, khi tới sòng bạc ngồi chơi thấy lưỡi lê cộm nên lấy ra để xuống bên cạnh chứ không phải có ý định cướp tiền, vàng tại sòng bạc.
Nhưng hành động thảy lưỡi lê xuống chiếu bạc nhằm mục đích hù dọa để cướp tiền, vàng của Hai Chi đã có 4 người chứng kiến và lời khai của nhân chứng đã được kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên Hai Chi vẫn chối, chỉ đến khi tòa công bố lời khai của Bùi Dũng (đã chết) thì Hai Chi mới “ngậm tăm”.
Cuối cùng, TAND Tỉnh Bình Thuận đã tuyên án Hai Chi 19 năm tù giam cho cả 3 tội, Hoàng Văn Sửu 6 năm tù (tổng hợp với 11 năm tù xử trước đó trong vụ án khác là 17 năm tù), Phan Văn Hưng 3 năm tù, Ngô Văn Ký 18 tháng tù về tội gây thương tích, Lê Thị Thu Hằng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cướp tài sản, Trần Văn Tiến 3 năm tù cho hưởng án treo về tội đánh bạc.
Ngoài ra, Hai Chi còn phải bồi thường cho anh Đỗ Ngọc Biên, Hò Trung Ngộ gần 5 triệu đồng. Còn bị cáo Nguyễn Thông, trước đó đã được VKSND rút quyết định truy tố về tội gây thương tích vì đã hết thời hiệu truy cứu.
Với bản án 19 năm tù, Hai Chi có vẻ hài lòng. Tuy nhiên, với người dân địa phương, bản án này là quá nhẹ so với những tội lỗi mà hắn gây ra.
Kỳ 3: Gặp lại Hai Chi trong trại giam.
Theo Nguoiduatin