Cảnh giác: những chiêu lừa tinh vi của các "ông Tây"

Thứ tư, 17/10/2012, 13:40
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, tội phạm ngoại quốc bắt đầu “triển khai” những “chiến dịch” trộm cắp, lừa đảo bằng thẻ tín dụng, lừa đảo thông qua việc thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng Internet, sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức…

Thời gian gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng hình sự mang quốc tịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để trốn lệnh truy nã hoặc thực hiện các hành vi phạm tội. Để che giấu lai lịch và hành vi phạm tội, chúng thường núp bóng dưới vỏ bọc đầu tư, kinh doanh, thăm thân, du lịch...

Tội phạm gây ra chủ yếu là xâm phạm sở hữu (trộm cắp, lừa đảo bằng thẻ tín dụng, lừa đảo thông qua việc thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng Internet, sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức).
 
Tội phạm lừa đảo phổ biến thời gian qua do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam được thực hiện bằng thủ đoạn mua hàng, đổi tiền diễn ra rất phức tạp. Cách đây không lâu đã xuất hiện thủ đoạn chiếm đoạt tiền tinh vi của người làm dịch vụ chuyển tiền lậu ở Việt Nam.

Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài là cử người sang Việt Nam tìm cách liên hệ với người làm dịch vụ chuyển tiền lậu. Sau đó chúng đặt vấn đề muốn chuyển một lượng tiền rất lớn từ nước ngoài về Việt Nam thông qua dịch vụ này, phí được hưởng lên đến 20% tổng số tiền giao dịch. Tiếp theo, chúng dùng thủ đoạn đánh tráo số tiền được chuyển để chiếm đoạt.
 
Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an tiếp nhận đơn của một công dân ở Hà Nội, tố cáo bị đối tượng người nước ngoài dùng thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới 500.000 Euro. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành các biện pháp xác minh, được biết đối tượng gây án là người gốc Australia, quốc tịch Rumani.
 
Đối tượng Vasilescu Serban Dan sau khi đem tiền của bị hại đi khỏi khách sạn
(áo phông trắng, quần bò đeo ba lô), ảnh chụp qua camera an ninh.
 
Thông qua trao đổi, hợp tác với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol và Cảnh sát CHLB Đức, được biết đối tượng này có tên là Vasilescu Serban Dan, chuyên hoạt động lừa đảo quốc tế tại nhiều nước như Mỹ, Pháp và các nước châu Âu khác.

Sau khi từ Đức nhập cảnh Việt Nam, tạm trú tại khách sạn Hilton Hà Nội, thông qua phiên dịch người Việt, Vasilescu Serban Dan đã tiếp xúc với bị hại là người chuyên làm dịch vụ chuyển tiền lậu, đặt vấn đề cần chuyển 500.000 Euro từ CHLB Đức về Việt Nam.
 
Phương thức chuyển tiền là người quen của bị hại ở Đức (có tên là Dinh Dilan) sẽ nhận tiền của đối tượng là đồng bọn của Vasilescu Serban Dan, sau đó Dinh Dilan sẽ điện thoại từ Đức báo cho bị hại biết là tiền ở bên kia đã nhận đủ, khi đó tại Việt Nam, bị hại sẽ chuyển tiền cho Vasilescu Serban Dan.

Phần tiếp của kịch bản lừa đảo được diễn ra tại Đức. Đối tượng mang vali tiền ra đếm cho người bị hại ở Đức kiểm tra đủ số lượng tiền rồi chúng khóa vali lại. Khi Vasilescu Serban Dan nhận được tiền ở Việt Nam thì đồng bọn ở Đức nhanh chóng tẩu thoát, bị hại sau đó không thể mở được vali tiền, mất một khoảng thời gian để phá vali kiểm tra, phát hiện trong đó toàn giấy vụn và giẻ rách. Lúc này, Vasilescu Serban Dan cũng đã “biến mất” cùng số tiền lớn của bị hại tại Việt Nam.
 
Dưới đây lại là một thủ đoạn khác cũng hết sức tinh vi. Tháng 4/2012, lực lượng Công an đã bắt quả tang 43 người Trung Quốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phạm tội lừa đảo bằng công nghệ cao, thu giữ hàng trăm điện thoại bàn, nhiều máy tính xách tay, bộ đàm, thiết bị Voice IP.

Những đối tượng này vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch, sau đó tụ tập lại để thuê nhà, lắp đặt máy móc, thiết bị, hệ thống tổng đài để giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến công dân nhiều nước thực hiện hành vi lừa đảo.
 
Đối tượng mà chúng lựa chọn thường là những người làm ăn phi pháp hoặc đang có dấu hiệu phạm tội, sinh sống tại Trung Quốc, sau đó chúng giả danh lực lượng thực thi pháp luật nước sở tại gọi đến thông báo tài khoản của họ có nguy cơ bị bọn tội phạm lợi dụng, từ đó yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để “bảo vệ” hoặc phải chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng lập ra để chiếm đoạt.
 
Những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người nước ngoài của các lực lượng chức năng đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, công tác quản lý người nước ngoài của các đơn vị chức năng hiện nay hiệu quả chưa cao, việc phân công, phân cấp trong điều tra, phối hợp giữa các đơn vị, các lực lượng trong điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài còn chồng chéo, chưa phù hợp nên hiệu quả đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này còn thấp.
 
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do họ thường có thái độ bất hợp tác. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân để trì hoãn xuất cảnh.

Cùng với nó, các chế tài về xử lý người nước ngoài vi phạm chưa đủ sức răn đe, gây tâm lý coi thường pháp luật. Các biện pháp xử lý trong thời gian qua như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, tốn kém về nhân lực, kinh phí.
 
Theo các chuyên gia về phòng chống tội phạm, trong thời gian tới tình hình tội phạm liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng.

Do vậy, rất cần các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ và có các biện pháp mạnh, hữu hiệu nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng này, góp phần đảm bảo ANTT tại các địa bàn, nhất là những thành phố lớn.
 

Từ năm 2007 đến 2011, toàn quốc xảy ra 248 vụ án do người nước ngoài gây ra với 651 đối tượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện 41 vụ, 108 đối tượng hình sự là người nước ngoài. Các đối tượng đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau với tội danh chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

 
Theo CAND

Các tin cũ hơn