Vụ 10 năm oan sai: Lạ chưa, bỗng dưng... nhận tội giết người

Thứ hai, 11/11/2013, 08:31
Sáu điều tra viên (Công an tỉnh Bắc Giang) tham gia điều tra, thụ lý vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã “đồng loạt” phủ nhận không ép cung, mớm cung, dùng nhục hình để ông Chấn nhận tội giết người. Có nghĩa là, ông Nguyễn Thanh Chấn bỗng dưng tự nhận mình phạm tội trọng án để lãnh án tù chung thân.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang, ngoại trừ điều tra viên đã chết thì 6 điều tra viên trực tiếp tham gia điều tra, thụ lý vụ “Nguyễn Thanh Chấn, giết người”, nay đang giữ những chức vụ quan trọng tại Công an tỉnh. Người thì là Chánh Thanh tra, người thì ở cương vị là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, người thì là Phó công an huyện.

Chuyện đã xảy ra cả chục năm rồi, ông Chấn cũng đã ngồi tù, các điều tra viên đều đã thăng hàm, thăng chức. Họ đã có công lớn là phá nhanh vụ trọng án. Kẻ giết người đúng là Nguyễn Thanh Chấn chứ còn ai vào đây nữa.

Dấu chân "gần giống" là một trong những cơ sở đẩy ông Chấn vào 10 năm tù oan khổ.

Điều đó được minh chứng khi dựng lại hiện trường, bị can Nguyễn Thanh Chấn nếu không giết chị Hoan, sao từng động tác diễn lại chuẩn đến thế.

Có nghĩa là, kết luận của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, với chứng cứ chặt chẽ và hoàn hảo đến mức mà cơ quan giữ quyền công tố, cũng như cơ quan được quyền nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - để tuyên buộc người phạm tội một mức án xứng đáng với hành vi phạm tội đã gây ra - đã “tâm phục, khẩu phục” để tuyên án không một chút đắn đo.

Cũng may, ông Nguyễn Thanh Chấn thoát án “tử” vì ông là con duy nhất của liệt sĩ - người đã không tiếc máu xương trong cuộc chiến giữ nước.

Bây giờ, có người nhận tội giết chị Hoan, ông Chấn được tha, đã đẩy 6 điều tra viên năm xưa vào thế “không có lối thoát”.

Nhận là đã ép cung, mớm cung, dùng nhục hình ư - có khác gì - những cán bộ công án đó - đã tự tay đẩy mình khỏi “cái ghế” quyền lực đang có. Buộc họ sẽ ‘đồng thanh, nhất trí” cao là không hề làm cái chuyện trái với đạo đức, nghề nghiệp của cán bộ điều tra.

Như vậy, chỉ còn tình huống là ông Nguyễn Thanh Chấn tự nhận tội giết người? Nhưng không hiểu ông Chấn có “thần giao, cách cảm” hay không. Không giết người, nhưng khi dựng lại hiện trường, ông đã diễn chuẩn đến mức ai chứng kiến cũng tin là thật, từ tư thế cầm dao đến độ lệch của vết đâm...chuẩn đến mức - chính ông Chấn là thủ phạm chứ không còn ai khác.

Nhớ lại vụ kỳ án “vườn điều” xảy ra năm 1993 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân ( Bình Thuận). Một phụ nữ bị giết, từ lời khai của người bị tâm thần, 9 người bị khởi tố, trong đó có 7 người thuộc ba thế hệ trong một gia đình lâm vào vòng lao lý.

Kết luận điều tra vụ án của Công an tỉnh Bình Thuận cũng hoàn hảo từng chứng cứ. Dù trải qua mấy lần “xét đi, xử lại” của cả tòa sơ và phúc thẩm, đến khi lĩnh án tù, các bị cáo vẫn một mực kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14.6.2001, bị cáo Nguyễn Thị Lâm - người được cho là chủ mưu vụ giết người vì ghen tuông, đã khóc trước tòa kêu oan, thay vì động viên bị cáo khai để làm rõ tình tiết trước phiên tòa xử công khai, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã lớn tiếng: "Đây không phải là tuồng cải lương, bị cáo không phải là diễn viên”.

Ba vị luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, đã bị các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận thống nhất bằng văn bản, kiến nghị các cơ quan tư pháp, Đoàn luật sư Hà Nội và Hải Phòng xử lý ba luật sư vì khi bào chữa cho các bị cáo đã dùng lời lẽ kích động, làm dư luận hiểu sai về các cơ quan tố tụng của tỉnh.

Quả thật, khi các luật sư trưng ra các chứng cứ, minh chứng các bị cáo vô tội, khiến cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận không thể “đỡ” nổi, quyết “kiện” các luật sư.

Cuối cùng thì, tiếng kêu oan của các bị cáo trong vụ án “vườn điều” cũng đã “thấu” đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an. Các bị cáo được trả tự do, chỉ có điều, “oan” đã được “minh”, nhưng họ đã trở thành những người “không nhà không cửa”, vì đại gia đình họ đều lĩnh án.

Các cơ quan tư pháp hẳn sẽ tìm ra câu trả lời, vì sao người bị tù oan lại nhận tội? Chẳng lẽ, họ không phạm tội mà lại nhận tội? Một khi vẫn còn quan điểm “trọng cung hơn trọng chứng”, một khi luật sư không được tham gia từ đầu khi người tình nghi phạm tội bị bắt..thì sẽ vẫn còn những “tù nhân oan”.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn