Vụ ban hành thông tư 16 sai Luật: Người mua nhà có thể kiện Bộ Xây dựng

Thứ sáu, 28/02/2014, 08:03
Dù Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD để “sửa sai”, nhưng vô số khách mua nhà trước ngày 8/4/2014 đã phải chịu thiệt tiền tỷ khi phải trả cả tiền cho diện tích cột, hộp kỹ thuật... Để đòi lại quyền lợi của mình, các nhóm khách hàng đang lên kế hoạch khởi kiện Bộ Xây dựng - cơ quan ban hành văn bản sai luật để các chủ đầu tư lợi dụng, gây thiệt hại cho người mua nhà.

tính diện tích tim tường

Ông Trần Xuân Trạch - chủ căn hộ 1609 tại tầng 16, tòa nhà Keangnam bức xúc vì phải trả tiền mua và phí bảo trì căn hộ diện tích 160m2 nhưng diện tích sử dụng thực tế chỉ 138m2.


Quy định sai luật, chủ đầu tư thu bội

Ông Trần Xuân Trạch, chủ căn hộ 1609 tại tầng 16 tòa nhà Keangnam cho hay, căn hộ 1609 có diện tích mua bán là 160m2 nhưng trong nhà có 4 cột giữa nhà, lại thêm các cột hộp kỹ thuật nên diện tích sử dụng thực tế chỉ còn 138,2m2. “Như vậy tôi phải mất 65.400 USD mua 4 cột với diện tích 21,8 m2 và phải đóng 14.000 đồng/21,8m2 cột, hộp/tháng trong suốt đời sử dụng”, ông Trần Xuân Trạch bức xúc.
"Chúng tôi đã kiện từ nhiều năm nay và khi cơ quan chức năng khẳng định Bộ Xây dựng đã ban hành quy định trái luật, chúng tôi càng có căn cứ khởi kiện. Chưa nói đến việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư trái luật, việc chủ đầu tư lợi dụng cách tính theo Thông tư 16, khiến chúng tôi không chỉ phải trả tiền cột, hộp kỹ thuật mà phải trả tiền “nuôi” những thứ này đến hết đời đã là sự sai trái cần được lấy lại công bằng”.
Bà Trịnh Thúy Mai
Chủ căn hộ B 3504 Keangnam

Cùng chung tâm trạng, bà Trịnh Thúy Mai, chủ căn hộ B3504 Keangnam cho biết, diện tích hợp đồng căn hộ của bà là 206m2, trong đó diện tích thuộc sở hữu riêng 176m2, diện tích thuộc sở hữu chung 30m2.
“Khoảng 900 hộ dân Keangnam đã mua nhà ở đây đều phải mua thêm khoảng 20-30m2 diện tích các hộp kỹ thuật, cột chịu lực, tường bao... và ước tính phần tiền đã trả cho diện tích thuộc sở hữu chung khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Chủ đầu tư hưởng lợi rất nhiều, đến cả nghìn tỷ đồng.
Vì ngoài cột chịu lực, còn những  hộp kỹ thuật ẩn trong tường, mà chỉ những người có chuyên môn mới biết được. Vì vấn đề này, chúng tôi đã gửi đơn kiện chủ đầu tư đến tòa án từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử, chưa biết tòa sẽ xử thế nào”, bà Trịnh Thúy Mai cho biết.
Không chỉ ở Keangnam, mà ở rất nhiều dự án chung cư khác, khách hàng đã phải trả tiền tường, cột khi mua nhà. Anh Phạm Ngọc Bắc, đại diện một nhóm cư dân chung cư Lê Văn Lương Residential cho biết, các căn hộ có diện tích 65-80 m2 ở Lê Văn Lương Residential đều mất khoảng 2m2 cột, tương đương thiệt hại gần 50 triệu đồng/căn… “Căn hộ diện tích càng lớn càng phải trả tiền cho phần diện tích hộp kỹ thuật, cột khung nhà, tường bao nhiều hơn. Với tòa nhà 25 tầng, số lượng cột khung không hề ít nên có nhà tính ra khách hàng sẽ mất oan đến gần trăm triệu đồng, còn chủ đầu tư thu lợi hàng chục tỷ đồng”, anh Bắc cho hay.

Theo TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cách tính diện tích theo tim tường, hộp kỹ thuật, cột chịu lực... như Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng là trái với Luật Nhà ở, Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện luật này và Bộ luật Dân sự. “Cách tính theo Thông tư 16 không tách bạch được phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong các căn hộ chung cư. Dù Thông tư này hướng dẫn hai cách tính nhưng các chủ đầu tư chỉ tính theo tính tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư”, TS. Lê Hồng Sơn khẳng định.
tính diện tích tim tường
Khoảng 900 hộ dân ở Keangnam cho rằng, mình phải mua phần không gian không có công năng sử dụng.
Khách hàng nên khởi kiện

Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang - Văn phòng luật Đăng Quang, những khách hàng mua nhà bị tính cả tiền tường, hộp kỹ thuật, cột chịu lực... hoàn toàn có thể khởi kiện cơ quan quản lý, kinh doanh nhà. Căn cứ để khởi kiện, ngoài các quy định của Luật Xây dựng, Luật Dân sự, Luật Nhà ở, các hộ dân có thể căn cứ vào thiệt hại mà mình phải chịu do cách tính sai. Họ có thể đưa ra các bằng chứng là hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận, giấy biên nhận thu tiền của đơn vị kinh doanh nhà để chứng minh rằng họ đã thu tiền trên đơn vị là diện tích xây dựng chứ không phải diện tích sử dụng.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng luật sư BQH: Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 71 đều quy định phần cột khung chịu lực, hộp cột kỹ thuật là sở hữu chung, không được bán. Tuy nhiên, Thông tư 16 hướng dẫn chi tiết Nghị định 71 thì phần diện tích cột và hộp kỹ thuật lại quy định đo từ tim tường đến tim tường, dẫn đến cách hiểu đo cả cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật vào diện tích căn hộ.

Trao đổi với PV về sự bất cập của Thông tư 16 của Bộ Xây dựng, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: “Việc hủy bỏ Thông tư 16 không có nghĩa là Bộ Xây dựng có thể thoái thác trách nhiệm quản lý của mình trong suốt thời gian qua và không liên quan gì đến những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi mua phải những căn hộ thiếu diện tích. Tại sao luật của Quốc hội và nghị định của Chính phủ không quy định nhưng Bộ Xây dựng lại ban hành quy định về cách tính diện tích từ tim tường. Khách hàng hoàn toàn có cơ sở khi đấu tranh đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình, và để bảo vệ quyền lợi cho những người mua phải căn hộ thiếu nhiều diện tích, còn cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan và cả sự chỉ đạo của Chính phủ”.
Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng

Ngày 27/2, trả lời PV, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Thông tư 16 “không có vấn đề gì”.
“Thông tư 16 không có gì sai, được ban hành dựa trên các cơ sở pháp lý. Việc hướng dẫn hai cách tính diện tích mua bán căn hộ là dựa trên quyền thỏa thuận dân sự giữa các bên. Lý do sửa Thông tư 16 là nhằm đáp ứng quá trình phát triển của đất nước, tránh để bị lợi dụng và tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn. Việc cho rằng Thông tư 16 được ban hành sai cũng chỉ là ý kiến của một cơ quan của Quốc hội, chưa phải là kết luận, ngay cả trong cơ quan này cũng có những ý kiến khác nhau. Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Theo GTVT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích