Những ngày qua, thông tin liên quan tới dinh thự của ông Trần Văn Truyền nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ gây sự chú ý của dư luận.
Ngoài căn biệt thự “khủng” tại xã Sơn Đông và ngôi nhà tại số 6, đường Lê Quý Đôn phường 1 (TP. Bến Tre, tỉnh Bến tre được mua theo Nghị định 61), ông Truyền còn được cho là có 3 cơ ngơi ở phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng (Quận 7) do người thân đang quản lý, sử dụng.
Biệt thự ông Truyền ở Bến Tre. |
Căn biệt thự đang gây xôn xao dư luận của ông Truyền được xây dựng trên diện tích hàng ngàn m2 tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ theo số điện thoại ghi trên biển hiệu tại ngôi nhà số 6, đường Lê Quý Đôn phường 1 (TP. Bến Tre). Bắt máy là một người con gái tự xưng là con gái ông Truyền tên Trần Thị Ngọc Huệ.
Chị Huệ phân trần: “Tôi không biết mọi người người lấy thông tin ở đâu ra mà nói ba tôi có nhiều biệt thự trên Sài Gòn. Nào là ở phường Thảo Điền (Quận 2), ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng phường Phú Mỹ (Quận 7) nào là ở Quận 5. Tôi không biết những biệt thự đó ở đâu, phải chăng ba có nhiều biệt thự ở trung tâm Sài Gòn như vậy thì chúng tôi không phải khổ như thế này”.
“Họ còn nói là làm cán bộ thanh tra thì dễ giàu, có nhiều biệt thự. Nói vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của ba tôi mà còn cả ngành ông công tác. Điều đó khiến ba tôi đau lòng. Làm mấy chục năm, cả đời ông, cái gì cũng đắn đo suy nghĩ, con làm cái này, cái nọ nhưng không cho. Giờ ông về hưu rồi thì lại bị thế này”, chị Huệ nói thêm.
Ngày 4/3 chúng tôi cũng đã đến UBND phường Thảo Điền, Quận 2 một trong những nơi được cho là có cơ ngơi của ông Truyền để tìm hiểu. Theo ông Nguyễn Minh Điền Chủ tịch UBND phường Thảo Điền thì trên địa bàn có rất nhiều biệt thự, nếu không biết chính xác địa chỉ và chủ nhà thì rất khó tìm chứ chưa nói đến việc anh em đứng tên. Trường hợp này nếu rà soát lại để tìm thì mất rất nhiều thời gian.
Ngày 28/2 phóng viên đã đến UBND phường Phú Mỹ, Quận 7 đặt lịch làm việc với chủ tịch phường để tìm hiểu thông tin về tài sản ông Truyền tuy nhiên sau nhiều lần liên hệ vị chủ tịch đều nêu lý do bận họp.
Trước đó chúng tôi đã liên hệ với một vị Phó chủ tịch UBND TP.HCM để tìm hiểu thông tin về tài sản của ông Truyền. Vị Phó chủ tịch cho rằng phải xác minh thì mới có thể biết được. Ông này cũng cho rằng quyền sở hữu tài sản cá nhân được pháp luật bảo hộ, vấn đề là tài sản đó có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, nếu thông tin như báo chí phản ánh là sự thật thì việc xác minh cũng không dễ dàng bởi có thể, 3 cơ ngơi đó đang do người khác quản lý, sử dụng chứ không phải là ông Truyền quản lý.
Theo Tri Thức Trẻ