TP.HCM: Lên phương án di dân khu “tam giác vàng”

Thứ tư, 05/03/2014, 09:36
UBND TP.HCM vừa giao quận 1 khảo sát hiện trạng khu tam giác đường Trần Hưng Đạo - đường Nguyễn Thái Học - đường Phạm Ngũ Lão; lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ di dời đối với khu đất.

Lận đận “đất vàng”

Có thể nói “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão là khu đất nổi tiếng, làm tốn không ít giấy mực của truyền thông vì nó là “khu đất vàng” đầu tiên được UBND TP.HCM đem ra thí điểm đấu thầu lựa chọn đầu tư. “Tam giác vàng” càng nổi tiếng hơn vì quá trình đấu thầu xảy ra rất nhiều vấn đề và số phận “lận đận” của nó.

Ô phố Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão rộng hơn 13.000 m2, nằm sát công viên 23/9, quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành và sắp tới sẽ là trung tâm của hàng loạt tuyết metro, xe buýt, phố đi bộ… khiến nó trở nên nóng sốt ngay khi TP kêu gọi đầu tư.

Theo quy hoạch, ô phố này được xây dựng với tầng cao đến 260m, từ 60 – 65 tầng với nhiều chức năng như khách sạn, tài chính, thương mại, văn phòng… Vì thế, ô phố này được giới đầu tư gọi là “tam giác vàng”.

“Tam giác vàng” có đủ lợi thế khi nằm sát công viên, ga trung tâm của hệ thống metro và xe buýt, chợ Bến Thành, phố đi bộ...

Ngay từ năm 2007, TP.HCM đã tổ chức đấu thầu khu đất này và doanh nghiệp trúng thầu là liên doanh Thái Sơn gồm nhiều công ty. Nhưng sau đó, Chính phủ xác định quá trình đấu thầu có nhiều sai sót nên phải hủy kết quả đấu thầu và liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi dự án. Tiếp sau, liên doanh KSDP (gồm 1 công ty trong nước và 3 công ty Hàn Quốc) xin nhận đầu tư dự án này và được chấp thuận.

Nhưng mãi đến năm 2011, liên doanh KSDP vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nội dung để bảo đảm thực hiện dự án. Do đó, UBND TP.HCM phải chấm dứt việc xem xét cho liên doanh KSDP thực hiện dự án. Cho nên đến nay “tam giác vàng” vẫn trong tình trạng “vô chủ”.

Dù phương án đầu tư cho khu đất này vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nhưng quyết tâm đầu tư cải tạo khu đất này của TP.HCM là rất lớn. Do đó, nay UBND TP giao cho UBND quận 1 nhiệm vụ lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ di dời đối với khu đất để có những tính toán cụ thể cho tương lai sắp tới của khu đất này.

Nhiều khu đã thành công

Ngoại trừ trường hợp “lận đận” của “tam giác vàng”, trong số 20 khu đất vàng mà thành phố kêu gọi đầu tư cũng đã có nhiều dự án chọn được nhà đầu tư và đem về cho thành phố nguồn thu không nhỏ.

Ngay khi thành phố mới kêu gọi đầu tư, khu Eden và khu đất Sở Giáo dục - Đào Tạo đã nhanh chóng được biến thành 2 trung tâm thương mại hạng sang. Tứ giác Phạm Ngũ Lão - Phó Ðức Chính - Lê Thị Hồng Gấm – Calmette cũng đang được xây dựng tòa tháp đôi The One. Khu 164 Đồng Khởi cũng đã được thành phố chỉ định cho liên doanh gồm 3 doanh nghiệp Anh và Nhật làm chủ đầu tư vào năm 2013...

Rõ ràng có thể thấy các “khu đất vàng” ở ngay trung tâm thành phố luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng hai trở ngại lớn nhất khiến nhà đầu tư ngán ngại là thủ tục nhận dự án và giải tỏa mặt bằng. Quy trình nhận dự án phức tạp thể hiện rõ ở quá trình chọn chủ đầu tư cho khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học. Còn giải tỏa mặt bằng là vấn đề "khó nhằn" từ bao lâu nay trong bất cứ dự án nào, bài toán này còn khó hơn đối với các nhà đầu tư ngoại.

Theo TS Ðinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng TP.HCM, việc thành phố tiến hành chỉ định thầu cho khu 164 Ðồng Khởi được xem là quyết định mạnh mẽ, quyết đoán trong bối cảnh hiện nay nhằm thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư ngoại thì mong muốn thành phố tham gia giải phóng mặt bằng vì đây là khâu họ quan ngại nhất.

Các “khu đất vàng” đầu tư thành công đã đem về cho ngân sách thành phố một nguồn thu không nhỏ. Do đó, UBND TP.HCM vẫn đang ráo riết kêu gọi đầu tư vào các “khu đất vàng” và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đủ năng lực. Trong đó, khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão là 1 trong những khu hấp dẫn nhất nếu như được TP.HCM giải tỏa, cung cấp “đất sạch” cho nhà đầu tư.

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn