Những nhà siêu mỏng, siêu méo như thế này sẽ ngày càng nhiều nếu dự thảo cho xây nhà trên diện tích 25m2 được thông qua (ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM) |
Cụ thể, trong phần quy định kích thước lô đất và công trình, dự thảo quy định kích thước tối thiểu của lô đất xây dựng nhà ở cho khu vực mới mở - nhà liên kế có diện tích là 25m2.
Rối rắm thêm
“Sẽ rối rắm hơn” là khẳng định của kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội - về đề xuất trên của Bộ Xây dựng. Ông Nghiêm khẳng định trong bối cảnh việc quy hoạch, xử lý các nhà siêu mỏng, siêu méo, bài toán cấp giấy chủ quyền cho những nhà diện tích nhỏ, việc xử lý tình trạng cơi nới, lấn chiếm... còn ngổn ngang như hiện nay, việc chấp thuận cho xây dựng nhà ở trên diện tích 25m2 sẽ khiến tình hình quản lý xây dựng, kiến trúc tại các đô thị phức tạp hơn.
"Việc ban hành văn bản pháp quy luôn phải đổi mới, do đó việc ban hành quy chuẩn này là một bước thụt lùi. Chưa kể tiêu chuẩn được ban hành trước đó chỉ là ở mức khuyến khích, trong khi quy chuẩn mang tính pháp lý bắt buộc người dân phải tuân thủ" Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm |
Theo ông Nghiêm, trước đây Bộ Xây dựng từng ban hành tiêu chuẩn thiết kế nhà ở, trong đó quy định diện tích tối thiểu phải từ 40-45m2, chiều rộng diện tích đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m, bây giờ lại ban hành quy chuẩn hạ xuống còn 25m2, như vậy sẽ “đẻ” ra thêm nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo.
Phản hồi về đề xuất này, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Quan điểm cá nhân của tôi là không thể cho xây được, nó sẽ phá vỡ kiến trúc đô thị”. Theo vị lãnh đạo sở này, nếu xây dựng nhà ở cho công nhân thuê do Nhà nước quản lý thì có thể được, còn cho xây nhà ở riêng là hoàn toàn không nên. Bởi nhu cầu ở của người dân tại các đô thị hiện nay rất bức xúc, diện tích nhỏ thì chắc chắn trong quá trình sử dụng người dân sẽ cơi nới, lấn chiếm thêm rất xấu xí và khó quản lý. “Trong khi Hà Nội đang phải loay hoay giải quyết bài toán nhà siêu mỏng, siêu méo từ nhiều năm nay chưa xong, nếu đề xuất này triển khai thực tế thì sẽ rối rắm hơn” - vị này nói.
Chỉ là bản “nháp”
Đó là trần tình của ông Nguyễn Trung Hòa, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) - đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành xây dựng và là cơ quan đầu mối trong việc thẩm định dự thảo trước khi công bố lấy ý kiến. “Đưa ra lấy ý kiến như thế này là vội vàng, không hiểu sao dự thảo lại được đưa lên mạng lấy ý kiến khi chưa được hoàn chỉnh” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, dự thảo về quy chuẩn nhằm đưa ra các nội dung sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với Luật nhà ở sau này, đồng thời căn cứ trên ý kiến góp ý liên quan của 40 địa phương trước đó. Ông Hòa cho biết Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chịu trách nhiệm chính, sau khi lấy ý kiến của các địa phương và tiếp thu ý kiến thẩm tra, góp ý của Bộ Khoa học - công nghệ, vụ sẽ hoàn chỉnh và đưa ra lấy ý kiến về dự thảo. “Việc lấy ý kiến sớm này có thể do tâm lý “xin ý kiến xong rồi sửa luôn thể”. Ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ họp bàn để thống nhất cách làm, việc hoàn chỉnh này dự kiến cũng chỉ trong vòng một tuần là xong. Sau đó mới xin ý kiến chính thức” - ông Hòa nói.
Trong khi đó chiều 7/3, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - đơn vị được Bộ Xây dựng giao soạn thảo dự thảo - cho biết đây chỉ mới là quan điểm của cơ quan nghiên cứu xây dựng dự thảo, chưa phải là quan điểm của Bộ Xây dựng. Vị đại diện cho biết quy chuẩn trên nhằm sửa đổi, hoàn chỉnh quy chuẩn quy hoạch xây dựng được ban hành từ năm 2008. “Đây chỉ là dự thảo lần thứ nhất, để dự thảo được hoàn chỉnh và ban hành vào thực tiễn sẽ còn phải trải qua rất nhiều hội nghị, hội thảo để xin ý kiến nhiều bên nữa” - vị đại diện này nói. Liên quan tới đề xuất cho xây dựng trên diện tích 25m2, vị đại diện này cho hay đây chỉ là đề xuất của nhóm nghiên cứu trên cơ sở thực tế nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân (đặc biệt trong khu vực ngõ, phố cổ) có diện tích đất nhỏ đã có sổ đỏ được xây dựng nhà ở.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc ban hành quy chuẩn xây dựng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật ban hành các quy phạm pháp luật năm 2008 và các luật liên quan bởi dự thảo cho phép xây nhà trên diện tích chỉ 25m2, trong khi quy định hiện hành là chỉ cấp sổ đỏ cho thửa đất diện tích từ 30m2 trở lên. “Để tránh bị chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái pháp luật và không thể đi vào cuộc sống, Bộ Xây dựng nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đồng thời lấy ý kiến bằng văn bản rộng rãi từ các bộ liên quan” - luật sư Thắng khuyến cáo.
Theo Tuổi Trẻ