Việc vay vốn mua nhà của những người lao động không thuộc cơ quan Nhà nước là điều không tưởng |
Từ chối khéo
Vật lộn gần 2 tháng với hàng loạt giấy tờ sao kê, xác nhận... nhưng anh Sanh (công tác tại Công ty Du lịch Sao Việt) vẫn chưa được ngân hàng chấp nhận hồ sơ vay vốn. Anh Sanh kể, lúc đầu anh xin xác nhận của phường về thực trạng nhà ở, phường nói họ chỉ xác nhận cho người có hộ khẩu thường trú, không xác nhận cho sổ hộ khẩu tạm trú (dù đã 2 năm) của vợ chồng anh. Sau vài lần chạy qua chạy lại phường để “khiếu kiện”, anh đã xin được xác nhận của phường và vội mang hồ sơ đến nộp cho ngân hàng. Nhưng chỉ sau một ngày tiếp nhận hồ sơ, phía ngân hàng đã hồi âm: Vợ chồng anh đều làm tư nhân nên hồ sơ không đủ điều kiện, cần thêm tài sản thế chấp.
"Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải bình đẳng tất cả mọi người, người có khó khăn càng phải được quan tâm, ưu đãi hơn. Sự phân biệt đối xử, nếu có, phải phê phán. Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra, trao đổi với những cơ quan có trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
Thừa nhận thực tế các khách hàng làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay 30.000 tỷ, một nhân viên bất động sản cho hay, ngân hàng chỉ thích cho “người nhà nước” vay vì được “nắm đằng chuôi” khi người vay cam kết ủy quyền cho cơ quan tự trích các khoản thu nhập của người vay để trả nợ; nếu người vay thôi việc, cơ quan sẽ giữ lại toàn bộ thu nhập khi thôi việc để trích trả nợ khoản vay cho ngân hàng. Do đó, các khách hàng cá nhân muốn vay gói 30.000 tỷ thường tìm cách gia tăng thời hạn hợp đồng lao động và tăng khống mức lương thực tế lên rất cao để lấy được lòng tin của ngân hàng, song cũng vẫn khó.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại, chia sẻ với PV, mặc dù ngân hàng không có văn bản chính thức nào “phân biệt đối xử”, song trên thực tế, không chỉ với gói 30.000 tỷ đồng, mà một số chương trình cho vay tiêu dùng khác, bộ phận tín dụng cũng có tâm lý “ngại” khách hàng làm ở khu vực ngoài Nhà nước, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lý do, các doanh nghiệp loại hình đó nhiều rủi ro, thu nhập không ổn định, thậm chí nay hoạt động, mai có thể phá sản. Chưa kể, một số doanh nghiệp sẵn sàng xác nhận “vống” thu nhập cho nhân viên, do vậy, rủi ro trả nợ gia tăng. “Chúng tôi yên tâm nhất là cho vay công an, quân đội, tính ổn định cao, thu nhập đảm bảo gia tăng”, cán bộ tín dụng nói.
Phải có thu nhập cao
Gần 1 tháng nay, chị H.L (công tác tại Cục Lưu trữ Quốc gia) đau đầu tìm “cửa” vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ để mua căn hộ 53m2 ở chung cư Kim Văn - Kim Lũ. Hơn 10 năm lập gia đình, chị cùng chồng (công tác tại một viện nghiên cứu) và 2 con trai vẫn phải bỏ ra số tiền 3 triệu đồng/tháng để thuê một căn chung cư mini chưa đầy 30m2 ở Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Chị chia sẻ, cái khó nhất trong “hành trình” xin vay vốn mua nhà của vợ chồng chị là chứng minh thu nhập.
Hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước, hàng tháng, chị cần mẫn nhận đánh máy luận văn, bản thảo cho một số cửa hàng photo, còn chồng chị nhận dịch thêm cho một nhà sách tư nhân để tăng thêm thu nhập, nhưng những nguồn thu này không ai đứng ra để xác nhận và vì vậy, tổng thu nhập theo xác nhận của cơ quan 2 vợ chồng chưa đầy 10 triệu đồng. Vì vậy, hồ sơ của anh chị không được ngân hàng chấp nhận. “Vay vốn mua nhà giá rẻ mà phải chứng minh thu nhập cao, thật khó quá”, chị H.L than thở.
Anh Nguyên, nhân viên sàn bất động sản Symax Land cũng tư vấn cho khách mua nhà có nhu cầu vay vốn từ gói 30.000 tỷ phải chứng minh được tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 18 triệu đồng/tháng, bởi như vậy sau khi trừ chi tiêu tối thiểu hàng tháng thì sẽ còn dư khoảng 10 triệu đồng/tháng mới đáp ứng được yêu cầu trả nợ. “Khách hàng đừng nên kê khai đang thuê nhà, vì sẽ tốn một chi phí chi và làm giảm nguồn trả nợ, chỉ nên kê khai là đi ở nhờ và nhờ 1 người quen nào đó xác nhận là ổn”, anh Nguyên mách nước.
Theo GTVT