1. Trần Thị Hường, Chủ tịch Công ty Hoàn Cầu
Doanh nhân gốc Bình Định tham gia thương trường sớm và gặt hái nhiều thành công chính là bà Trần Thị Hường (Tư Hường), người sáng lập Công ty Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á.
Sinh năm 1936 tại Bình Định, bà Tư Hường là con thứ tư trong một gia đình đông anh em. Thủa nhỏ, nhà nghèo bà đi làm thuê, rồi làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… để có tiền lo cho gia đình.
Sau khi kết hôn bà có 10 người con, trong đó có 3 con trai. Làm thuê và buôn bán nhỏ nhưng nhờ năng động, trước ngày đất nước thống nhất, bà tích lũy được một số vốn, cơ sở để khởi nghiệp kinh doanh sau này.
"Tôi phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, rồi sau đó thích làm bất động sản. Tôi đi lên là nhờ buôn bán bất động sản”, bà Hường cho biết.
Từ đầu những năm 90, bà Hường đã nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Bà góp 45% vốn, phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.
Không lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, TP.HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD. Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).
Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản và ngân hàng. Tuổi cao, đã rút dần công việc quản lý, nhưng “uy lực” của bà Tư Hường trong gia đình vẫn rất cao. Bà kể trong công việc vẫn thường bàn bạc với chồng, nhưng khi bất đồng quan điểm bà sẽ ra quyết định. Trong đời sống thường nhật, bà được những người thân miêu tả là người nghiêm khắc, quy củ và có cá tính mạnh mẽ.
2. Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Diệp Bạch Dương.
Những năm đầu thập niên 2000, khi những cái tên đại gia địa ốc như Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng chưa nhiều người biết tới, thì bà Diệp đã nổi danh nhờ sở hữu một qũy đất lớn và đắc địa tại TP.HCM.
Sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nhưng bà Diệp lại lớn lên ở Hà Nội và thành danh tại TP.HCM.
Nhưng sự kiện khiến tên tuổi bà Diệp nổi bật trong giới đại gia là việc bà mua chiếc xe Rolls-Royce biển số tứ quý 7, đắt tiền và sang nhất Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 1/2008. Siêu xe của bà Diệp là chiếc Rolls Royce được đặt hàng chính hãng duy nhất tính đến thời điểm đó tại Việt Nam.
Khi bà Diệp đặt hàng tại Rolls Royce, thuế nhập khẩu là 80% và giá sau thuế ước tính vào khoảng 1,3 triệu USD.
Bà Diệp thẳng thắn chia sẻ, để có được vị thế đó, bà đã phải trải qua nhiều thăng trầm, từ chuyện “nhịn đói nhịn khát” phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm, cho đến chuyện phải vào tù oan, rồi đối thủ thuê người dùng súng bắn tại cơ quan, nhưng may mắn thoát chết.
Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau 30 năm bà Dương Thị Bạch Diệp sở hữu hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Nhưng vài năm trở lại đây, tiếng tăm của Công ty Dương Bạch Diệp đang dần chìm vào quên lãng, nhất là sau hàng loạt thông tin phá sản, trốn nợ liên quan đến đại gia bất động sản này được tung ra, khiến bà Diệp phải đích thân đứng ra cải chính và khiếu nại.
3. Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Tại đại hội cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới đây, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã nói say sưa về việc trồng bắp nuôi bò ở Lào và Campuchia. Lý do ông Đức đưa ra là dựa trên bài toán kinh tế hiệu quả khi chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng nhìn vẻ mặt rạng rỡ của ông Đức, có thể hiểu đây là lĩnh vực gắn liền với tuổi thơ cơ cực của ông ở vùng quê nghèo Bình Định.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.
Năm 1982, Đức khăn gói vào TP.HCM thi đại học, nhưng bị trượt. Trở về quê lại sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.
22 tuổi không tiền, không bằng cấp, Đoàn Nguyên Đức quyết rời khỏi quê, làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra từng chiếc bàn. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật là bất động sản để hình thành nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Cho đến tận bây giờ, ông Đức tâm sự: “Mỗi lần về thăm quê, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”.
Hiện ông Đức là Chủ tịch Hội doanh nhân tỉnh Bình Định.
4. Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành
Khi Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu nổi danh trên lĩnh vực gỗ và bất động sản, có một doanh nhân gốc Bình Định khác cũng đang âm thầm từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong ngành đồ gỗ xuất khẩu - ông Võ Trường Thành.
21 tuổi, đang làm nghề “gõ đầu trẻ”, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định để lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của ông với gỗ.
Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ, ông được bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy vị giám đốc “ra riêng” với số vốn vay mượn 50 triệu đồng để thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, dồn cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ, tưởng như xóa sổ niềm đam mê của ông.
Sau 3 tháng đóng cửa nhà máy (năm 1998), doanh nghiệp sản xuất trở lại với cường độ thấp, tăng dần khi thị trường trong nước vào mùa mua sắm cuối năm. Ngay năm 1999, Công ty mua lại Công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang châu Âu. Từ đây, ông Thành chuyên tâm làm hàng xuất khẩu. Năm 2011, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam về doanh số (khoảng 3.000 tỷ đồng) và quy mô lên đến 8 nhà máy.
Tuy nhiên, năm 2013, thông tin Trường Thành đang nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng khiến không ít người ngỡ ngàng. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như: giá nguyên liệu tăng cao, sức mua từ nước ngoài giảm sút, đầu tư ngoài ngành, lãi suất tăng… Công ty đã thế chấp hầu như toàn bộ tồn kho nguyên liệu để vay ngân hàng. Do đó, khi cần bán, hoặc sử dụng, phải có nguồn tiền tương ứng chuyển cho ngân hàng.
Đã có thời điểm, nhiều ngân hàng đồng loạt đòi nợ rát Trường Thành, rồi sức ép từ các cổ đông. Nhưng với kinh nghiệm từng trải, ông Thành vẫn kiên nhẫn từng bước giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Lũy kế cả năm 2013, Gỗ Trường Thành lãi ròng 7 tỷ đồng, bằng 2,8 lần con số năm 2012.
Ông Thành cho biết, sau nhiều năm âm thầm theo đuổi chiến lược trồng rừng, từ năm 2014, nguồn nguyên liệu chủ yếu Trường Thành sử dụng là cây Tràm sẽ được khai thác và có thể thay thế hoàn toàn gỗ nhập khẩu. Dòng nguyên liệu này đón đầu việc gia nhập TPP, bởi khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ được miễn thuế xuất khẩu bằng 0% trong phạm vi 12 quốc gia chiếm 42% GDP toàn cầu.
5. Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Cũng xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bình Định, dù phải làm nhiều việc để mưu sinh khi theo học tại trường Trung cấp Giao thông, Lê Phước Vũ vẫn đạt kết quả học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Lê Phước Vũ đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ khó có thể cho phép ông đỡ đần gia đình.
Ra trường, ông cùng gia đình khăn gói ngược phương Nam. Hai năm đầu, Lê Phước Vũ làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn – Vinh, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuột thử lập nghiệp. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi.
Trở lại Sài Gòn lần hai, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và được gợi ý thử tự kinh doanh. Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn.
Đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hoạt động hiệu quả, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện sản xuất với việc mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, ông phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng của ông ngấp nghé bờ vực phá sản. Dần dần, xưởng của ông thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi. Lê Phước Vũ tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh.
Năm 2001, Lê Phước Vũ thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, sau hơn 10 năm, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Hầu như trong bất cứ câu chuyện gì, Phật pháp luôn được ông Vũ nhắc đến. Ông kể, thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường hướng Phật.
Ngay cả trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để doanh nhân có thể nhận biết cơ hội mà nắm bắt kịp thời?”, ông Vũ lý giải đơn giản: bằng trực giác. "Và trực giác tốt luôn đi kèm với kiến thức", ông nói.
Theo VnExpress