Chủ dự án lọc dầu Vũng Rô từ chối nhận mặt bằng

Thứ sáu, 25/04/2014, 10:25
Do còn vướng nhiều nhà dân và các chủ hồ nuôi tôm chưa chịu di dời, chủ đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô 3,2 tỷ USD từ chối ký nhận bàn giao mặt bằng giai đoạn một của tỉnh Phú Yên. 

Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND Phú Yên xác nhận vừa tổ chức bàn giao mặt bằng 134ha (khu vực cảng trên cạn, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) cho dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Tuy nhiên chủ đầu tư không chịu ký nhận vì cho rằng mặt bằng chưa sạch.

lọc dầu vũng rô

Chủ đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô 3,2 tỷ USD từ chối nhận mặt bằng vì quỹ đất chưa sạch.

"Tỉnh đã hoàn tất khâu đền bù khoảng 100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng giai đoạn một cho dự án này, thế nhưng đến nay còn 15 hộ dân và gần 20 hồ nuôi tôm của các hộ chưa chịu di dời. Việc chủ đầu tư chưa ký nhận quỹ đất là đúng vì cấp huyện còn chậm, chưa tháo gỡ dứt điểm vấn đề này", ông Cự nói.

Theo ông Cự, số hộ dân nói trên dù đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn thả tôm giống xuống hồ tiếp tục nuôi. Tỉnh Phú Yên cho biết sẽ kiên quyết cưỡng chế, buộc di dời để kịp bàn giao quỹ đất sạch cho chủ đầu tư vào đầu tháng 5 tới. Sau khi hoàn tất việc ký hợp đồng EPC, tỉnh dự kiến sắp xếp thời gian, tạo điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư khởi công dự án trong tháng 7.

Dự kiến đến cuối tháng 6 tới, tỉnh Phú Yên tiếp tục đền bù khoảng 300 tỷ đồng giải phóng khoảng 404ha đất mặt bằng giai đoạn 2 cho những hạng mục chính dự án lọc dầu Vũng Rô.

Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô được quy hoạch xây dựng ở xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên trên diện tích gần 550ha mặt đất và 500ha mặt nước. Trong đó, khoảng 450ha được dùng để xây dựng nhà máy.

Chủ đầu tư dự án là Technostar Management Ltd (Anh) đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Phú Yên từ trước đến nay. Dự kiến, nhà máy hoàn thành sau 48 tháng kể từ ngày khởi công.

Ban đầu, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 1,7 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn. Nhưng theo đơn vị tư vấn, nếu giữ ở mức này thì dự án sẽ không có lãi, do đó chủ đầu tư đề xuất nâng công suất lên gấp đôi, tăng đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD và đã được Chính phủ chấp thuận.

Bên cạnh đó, dự án cũng được hưởng các ưu đãi như thuế suất 0% với sản phẩm lọc và hóa dầu, thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu như một số dự án lọc dầu khác tại Việt Nam.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 111 triệu USD mỗi năm, giải quyết khoảng 1.300 lao động trực tiếp và cung cấp một lượng xăng dầu lớn cho thị trường nội địa.

Như vậy, khu vực miền Trung hiện đang thu hút nhiều dự án lọc hóa dầu như Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn 9 tỷ USD, nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (27 tỷ USD) và dự án lọc hóa dầu Vũng Rô (3,2 tỷ USD)...

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích