Cuối những năm 2000, doanh nhân Phạm Nhật Vượng, khi đã tích lũy được một khối vốn kha khá nhờ sản xuất và kinh doanh mì gói, khoai bột và hơn một trăm sản phẩm thực phẩm khô khác tại Ukraina, quyết định hồi hương, tìm cơ hội làm ăn trong nước.
Nơi ông Vượng tìm đến là Hòn Tre, một đảo còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt chủ yếu vạn chài. Ý định biến Hòn Tre thành khu nghỉ dưỡng cao cấp vào thời điểm đó là một điều khó hiểu với không chỉ người dân thành phố Nha Trang mà cả với giới đầu tư bất động sản trong nước. Ngược lại, ông Vượng nhận được sự ủng hộ hết lòng của lãnh đạo địa phương.
|
Vingroup sở hữu 600ha diện tích đất giáp biển quanh đảo Hòn Tre. |
Một kế hoạch chi tiết, hoành tráng được thảo ra cùng khoản kinh phí khổng lồ đã khiến Hòn Tre thay đổi từng ngày. Nhưng, điều khiến ông chủ của nó chưa hài lòng là Hòn Tre còn có quá ít người biết.
Cơ hội quảng bá tuyệt vời đã đến vào đầu năm 2006, khi ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quyết định chọn nơi đây làm địa điểm cho sự kiện. Tất nhiên, để Hòn Tre được chọn, ông Vượng cũng chịu những khoản chi phí không nhỏ cho sân khấu, nơi ăn ở, tập luyện của thí sinh, phương tiện đi lại (hệ thống cáp treo lúc này đang thi công), mua bảo hiểm cho gần chục ngàn người... Thành công vang dội của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006, đã khiến Hòn Tre tiếp tục được chọn là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế Giới người Việt lần I. Theo một người trong ban tổ chức, thì “Ý chí, quyết tâm sắt đá và cách thức làm việc khéo léo của Phạm Nhật Vượng đã giúp ban tổ chức rất nhiều.”
Hòn Tre, sau hơn chục năm đầu tư xây dựng, đã trở thành tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng của những bậc đại gia. Tuy nhiên, như chia sẻ của vị chủ tịch Vingroup, còn quá nhiều việc cần phải làm. “Hiện nay chúng ta mới triển khai được sân Golf, 2 khách sạn, trong quy hoạch sẽ còn rất lớn diện tích vì các vị biết đảo Hòn Tre rộng 36 cây số vuông, chúng ta có hơn 600 ha”.
Dù chỉ nắm 1/6 diện tích, nhưng với nhãn quan kinh doanh của mình, ông Vượng đang sở hữu phần đắc địa nhất của Hòn Tre.
“Chúng ta lấy hết phần giáp ngoài, tức là toàn bộ vành đai mặt biển, bo hết chân mặt biển đến độ cao 60m, là chúng ta lấy hết” – ông Vượng cho biết.
Sở hữu vành đai ven biển quanh đảo đã khiến ông Vượng và Vingroup có thuận lợi vô cùng lớn trong phát triển dịch vụ.
“Về mặt dịch vụ coi như là duy nhất, chẳng có ai tiếp cận từ biển lên, ngoài chúng ta, chúng ta lấy hết vành đai chân rồi, người ta chỉ có thể dùng máy bay để ra đảo!” – ông Vượng tự tin.
Ông Vượng, sở dĩ có thể phát biểu bởi, Vingroup đang có cái “thế” lớn của một doanh nghiệp đi trước. Đảo Hòn Tre tuy không phải là của sở hữu duy nhất của Vingroup nhưng, như chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói, chẳng ai có thể lên đảo bằng đường biển mà không phải qua “đất” của họ.
Theo Seatimes